Tìm lối thoát cho khủng hoảng di cư

Mexico vừa ghi nhận số lượng đơn xin tị nạn vào nước này ở mức cao kỷ lục. Hàng loạt số liệu đáng báo động gần đây về cuộc khủng hoảng di cư ở châu Mỹ cho thấy sự cần thiết phải có một lộ trình thống nhất, toàn diện giữa các nước trong khu vực, nhằm tìm lối thoát cho vấn đề đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm.

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn người di cư tại Tapachula, Mexico, hướng tới biên giới giáp Mỹ, ngày 6/6. (Ảnh: Reuters)
Đoàn người di cư tại Tapachula, Mexico, hướng tới biên giới giáp Mỹ, ngày 6/6. (Ảnh: Reuters)

Ủy ban Hỗ trợ người tị nạn Mexico thông báo, trong nửa đầu năm 2022, có tổng cộng 58.642 người nộp đơn xin tị nạn ở quốc gia này.

Đây là con số cao chưa từng thấy và tăng gần 15% so với mức kỷ lục là 51.654 đơn xin tị nạn vào cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, các số liệu thống kê về người di cư ở châu Mỹ gần đây liên tiếp đạt “kỷ lục buồn”. 

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), 2021 là năm có số người di cư bất hợp pháp thiệt mạng nhiều nhất ở châu Mỹ kể từ năm 2014, với hơn 1.238 người tử vong hoặc mất tích. Đã có 728 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích ở khu vực biên giới giữa Mexico và Mỹ vào hồi năm 2021, đánh dấu “năm chết chóc nhất” ở nơi này tính từ năm 2014. 

Bài toán di cư hóc búa đã tồn tại suốt nhiều năm nay tại châu Mỹ. Tam giác Bắc Trung Mỹ, gồm Honduras, Guatemala và El Salvador, là điểm xuất phát và trung chuyển dòng người di cư tìm đến Mỹ mỗi năm nhằm chạy trốn vòng xoáy nghèo đói, bạo lực, thiên tai ở quê nhà. 

Hiện nay do các quy định hạn chế đi lại nhằm kiềm chế dịch Covid-19 ở một số nước chưa được dỡ bỏ hoàn toàn, người di cư, vốn đã không có nhiều chọn lựa, đành phải chấp nhận đi theo những tuyến đường nguy hiểm, với rủi ro về tính mạng cao hơn. 

Một số tuyến đường nguy hiểm mà họ chọn đi là tuyến đường biển ở Caribe, đường bộ ở Trung Mỹ qua rừng rậm Darien, những tuyến đường ở Bắc Trung Mỹ - nơi thường xảy ra tai nạn với các phương tiện chở người di cư, hoặc băng qua sông Rio Bravo chạy dọc biên giới Mexico-Mỹ. Phía sau giấc mơ tìm đến “miền đất hứa” là hiện thực khốc liệt, với cuộc sống thiếu thốn lương thực, thuốc men và đầy rẫy rủi ro bị bắt cóc, giết hại, khiến số phận người di cư mong manh hơn bao giờ hết. Tuy vậy, tình trạng di cư bất hợp pháp vẫn tiếp tục lan rộng ở châu Mỹ. 

Là đích đến chính của những người di cư, Mỹ đã nỗ lực phối hợp các quốc gia trong khu vực để nâng cao mức độ an toàn cho người di cư. Mới đây, Mỹ cùng Mexico, Guatemala và Honduras lên kế hoạch thành lập nhóm hành động chung, qua đó thúc đẩy trao đổi thông tin và phối hợp triệt phá các đường dây buôn người. IOM cũng khuyến nghị các chính phủ cần lập ra cơ quan chịu trách nhiệm thu thập và hệ thống hóa dữ liệu về người di cư thiệt mạng, xây dựng chính sách công về người di cư đồng bộ, hài hòa. 
 
Tại Hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ 9 diễn ra gần đây, lãnh đạo 20 quốc gia tham dự hội nghị cam kết phối hợp trong vấn đề di cư. Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị kêu gọi bảo đảm an toàn và quyền lợi chính đáng cho tất cả người di cư, cũng như kêu gọi các lực lượng hành pháp, tình báo phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp. Mỹ khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hành động. Theo đó, Washington sẽ cung cấp 171 triệu USD tiền hỗ trợ nhân đạo và thực phẩm khẩn cấp cho người di cư Venezuela đang tị nạn tại Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. 

Bất chấp hiểm nguy rình rập, làn sóng người di cư bất hợp pháp tìm đến các “miền đất hứa” tại châu Mỹ tiếp tục dâng cao. Việc các nước trong khu vực đưa ra cam kết về bảo vệ người di cư và cải thiện chất lượng cuộc sống ở những nơi “khởi nguồn” là cần thiết, song để đi từ lời nói đến hành động cần có sự quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của mọi quốc gia.