Tìm hướng giải quyết an ninh nguồn nước bằng khoa học

NDO - Sáng 11/9, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã khai mạc Hội thảo “Khoa học vì hòa bình” của Liên minh nghị viện thế giới với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học", diễn ra từ ngày 11 đến 13/9.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Đây là sự kiện ngoại giao khoa học được tổ chức bởi Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) và Trung tâm ICISE nhằm cung cấp một diễn đàn học thuật để hiện thực hóa tầm nhìn về sự thống nhất các vấn đề quốc tế thông qua khoa học.

Đồng thời là hội thảo đầu tiên do Liên minh nghị viện thế giới tổ chức tại Trung tâm ICISE trong khuôn khổ ký kết hợp tác giữa Liên minh nghị viện thế giới và Trung tâm ICISE ngày 11/5/2023 tại Genève, Thụy Sĩ. Tập hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ từ Việt Nam, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và các vùng khác trên thế giới để chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề liên quan an ninh và mất an ninh nguồn nước.

Tìm hướng giải quyết an ninh nguồn nước bằng khoa học ảnh 1
Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo Trung ương, địa phương và nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Giáo sư Trần Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành; ông Denis Naughten, Chủ tịch Nhóm công tác về Khoa học và công nghệ, Liên minh nghị viện thế giới, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định; các nhà khoa học Việt Nam và thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục Liên ngành (ICISE) phối hợp cùng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức hội nghị.

Tìm hướng giải quyết an ninh nguồn nước bằng khoa học ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự hợp tác khoa học và mong muốn hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, giảm bất đồng về khai thác và sử dụng bền vững nước; xây dựng hòa bình thông qua hợp tác khoa học.

Việt Nam là quốc gia ven biển Thái Bình Dương, có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó, hai con sông lớn là sông Cửu Long với 90% và sông Hồng với hơn 50% lưu vực nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

Trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đặc biệt cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho hơn 100 triệu dân khi vẫn còn là nước đang phát triển ở mức thu nhập trung bình. Do đó Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước.

Trong khuôn khổ hội thảo, với mong muốn hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ những thách thức đang gặp phải và trao đổi các giải pháp tháo gỡ, đưa ra các bài học và kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu này để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030.

Tìm hướng giải quyết an ninh nguồn nước bằng khoa học ảnh 3

Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết, Trung tâm ICISE sẽ trở thành một điểm gặp gỡ thường niên trong tinh thần ngoại giao khoa học của các nghị sĩ quốc hội các nước thuộc Liên minh nghị viện thế giới trong chuỗi các hội thảo IPU Khoa học vì hòa bình.

Tại lễ khai mạc hội thảo, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) nhấn mạnh: Việt Nam đã tham gia đề xuất đề án lấy năm 2022-2023 là năm quốc tế khoa học cơ bản để phục vụ phát triển bền vững, một kiến nghị mà Liên hợp quốc đã công bố ngày 2/12/2021. Việt Nam cũng đã là thành viên sáng lập của kiến nghị Thập niên Khoa học 2024-2034 để phục vụ phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã công bố ngày 25 tháng 8 vừa qua.

Những thành công lớn lao của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về khoa học cũng đưa lại cho chúng ta một một trách nhiệm thực tế và trách nhiệm này không thể thực hiện được nếu không có sự trao đổi và cộng tác của các nghị viên quốc hội với các lãnh đạo trong mỗi quốc gia.

Đấy là tầm nhìn và con đường tương lai để có một phát triển bền vững cho trái đất xanh của chúng ta, một con đường mà Liên minh nghị viện quốc tế và Trung Tâm ICISE sẽ cùng nhau đồng hành, tiến tới. Trung tâm ICISE sẽ trở thành một điểm gặp gỡ thường niên trong tinh thần ngoại giao khoa học của các nghị sĩ quốc hội các nước thuộc Liên minh nghị viện thế giới trong chuỗi các hội thảo IPU Khoa học vì hòa bình.

Tìm hướng giải quyết an ninh nguồn nước bằng khoa học ảnh 4

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng hy vọng các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài giúp đỡ Bình Định phát triển khoa học, giáo dục và các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác để trở thành điển hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Hội thảo “Khoa học vì hòa bình” diễn ra hôm nay là sự kiện đầu tiên đánh dấu cho Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới IPU với Trung tâm ICISE chính thức được hiện thực hóa. Đồng thời, cũng là hội thảo có ý nghĩa quan trọng và chất lượng cao về mặt học thuật trong bối cảnh “hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” đang đối mặt với những thách thức lớn.

Tại sự kiện này, các vấn đề liên quan an ninh và mất an ninh nguồn nước dựa trên các hướng giải quyết từ khoa học để xây dựng hòa bình sẽ được đề cập, phân tích, làm rõ. Sự kiện này cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và cộng đồng liên minh các nghị viện nhằm ủng hộ khoa học và hòa bình thế giới.

Ông Hồ Quốc Dũng cũng hy vọng rằng, sau hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ quay trở lại Bình Định, không chỉ để tham dự các cuộc gặp gỡ khoa học mà còn hỗ trợ, giúp đỡ Bình Định phát triển khoa học, giáo dục và các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác để Bình Định thật sự trở thành một điển hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.