Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Văn hóa, Du lịch và Thể thao Trịnh Thị Thủy khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung; đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng. Văn hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước trong tình hình mới. Bối cảnh hiện nay đang có nhiều thuận lợi về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển, xây dựng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng Văn hóa, Du lịch và Thể thao Trịnh Thị Thủy phát biểu. |
Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu xúc tiến đầu tư vào Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, xuất phát từ mục đích, yêu cầu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa con người Việt Nam, đặc biệt là huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung và đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các khu chức năng của Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy hoạch nói riêng.
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, thứ trưởng yêu cầu Ban quản lý làng tiếp tục phát huy lợi thế đã có, khai thác một cách hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở chung; tiếp tục rà soát, hoàn thiện và xây dựng quy trình tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, hội nghị các công ty lữ hành trong cả nước để sớm hoàn thiện các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư; tiếp tục tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm khu vực, quốc gia, có yếu tố hợp tác quốc tế tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, chính sách đối với công tác thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai, thực hiện các dự án tại Làng trong thời gian tới. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị góp ý, đề xuất về các quy định hiện hành, hiến kế cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam phát huy được các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và giá trị nhân văn, có các giải pháp huy động được nguồn lực, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để có được có thiết chế văn hóa tầm cỡ khu vực và quốc tế, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, vừa bảo đảm được yếu tố hiện đại. Các dự án đầu tư tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam phải hướng đến sự phát triển bền vững.
Liên hoan hát Then, đàn Tính tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm trong khu vực Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với tổng diện tích 1.544ha, trong đó 605ha đất và 939ha đất có mặt nước. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nhiều hạng mục Nhà nước đã đầu tư xây dựng như hạ tầng kỹ thuật chung của dự án; hệ thống cây xanh, cảnh quan và khu B. Điểm thuận lợi của dự án là công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, sẵn sàng cho việc đầu tư, xây dựng.
Đây là dự án mở, có giá trị di sản với quy mô lớn, là quần thể đa dạng với nhiều khu chức năng đan xen giữa văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Quy hoạch chung gồm 7 khu chức năng: Khu trung tâm văn hóa và vui chơi, giải trí (125,22ha); Khu các làng dân tộc (198,61ha); Khu di sản văn hóa thế giới (rộng 46,50ha); Khu dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha); Khu công viên bến thuyền (341,53ha); Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,9ha); Khu quản lý điều hành văn phòng (78,5ha).
Với mục tiêu xây dựng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế...
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, thời gian tới, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam phải trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vướng mắc trong cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, định hướng đầu tư vào các khu chức năng của Làng. Mục tiêu chung là các khu chức năng của Làng được đầu tư một cách đồng bộ, phát huy hiệu quả đề ra, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao du lịch mang tầm quốc gia. Có thể nói, đây là mô hình mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước trong gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, thông qua các hoạt động văn hóa, để văn hóa là sợi dây gắn kết giữa các cộng đồng các dân tộc, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc..
Hội nghị gồm hai phiên: Cơ chế ưu đãi thuận lợi và tiềm năng phát triển đầu tư tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam; Giải pháp tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đại biểu tham luận tại hội nghị. |