Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Hiến kế bảo tồn, phát huy văn hóa Cao Bằng

Sau loạt bài “Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa” (từ số 1531 đến số 1534), nhóm tác giả nhận được những ý kiến hưởng ứng, đề xuất sinh động từ thực tiễn bảo tồn, phát triển văn hóa du lịch Cao Bằng, và cả những góp ý, cảnh báo. Mong đây sẽ tiếp tục là những tiếng nói, ý tưởng để thúc đẩy tiến trình này một cách khả thi, thiết thực hơn.
Hát then, đàn tính là di sản giàu bản sắc của người Tày, Nùng ở Cao Bằng.
Hát then, đàn tính là di sản giàu bản sắc của người Tày, Nùng ở Cao Bằng.

TS Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa):

Hiến kế bảo tồn, phát huy văn hóa Cao Bằng ảnh 1

“Đưa chủ thể của văn hóa thành nguồn lực quan trọng”

Đây là loạt bài rất chất lượng, khả năng tìm tòi, tổng hợp và xử lý thông tin để thành loạt bài báo là rất tốt. Điền dã, thâm nhập, lấy ý kiến của cộng đồng và cả cấp quản lý ngành, chính quyền địa phương. Loạt bài đã đi sâu vào những vấn đề thực tế, thời sự của di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa của đồng bào nói riêng. Những vấn đề về đánh giá thực tiễn cũng cụ thể, sắc sảo, cùng với đó là gợi ý những chính sách tốt cho cộng đồng, chính quyền địa phương.

Loạt bài cũng thẳng thắn đi vào những vấn đề còn đang khúc mắc, những thực tế, hạn chế, không né tránh, không “ca ngợi”, tô vẽ. Thí dụ như sự hạn chế trong nhận thức, trong sử dụng, phát huy nguồn lực văn hóa, du lịch đại trà, thiếu bền vững, đồng bộ... đều được nêu, phân tích, đánh giá và gợi ý chính sách khắc phục. Ngoài việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác, chất lượng cho nhiều đối tượng độc giả, nhóm tác giả còn tham cứu nhiều ý kiến, tài liệu về văn hóa, di sản văn hóa để đưa ra những nhận định, đánh giá và gợi ý chính sách chính xác, hữu ích.

Cao Bằng cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước gặp khá nhiều khó khăn trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản văn hóa của cộng đồng nhằm phát triển bền vững, trong đó có cả phát triển du lịch. Về di sản văn hóa, trước hết nâng cao nhận thức cho cộng đồng chủ thể, các cấp chính quyền về việc gìn giữ những giá trị văn hóa, di sản văn hóa đã và đang có những đóng góp vào việc xây dựng lên cốt cách con người, dân tộc, phục vụ nhu cầu của người dân, của chính chủ thể của văn hóa đó, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển. Phát huy những giá trị tích cực đồng thời khắc chế, loại bỏ các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới sự mai một của di sản. Về du lịch, cần nghiên cứu, ứng dụng một cách phù hợp các loại hình du lịch phù hợp thực tế, cộng đồng và loại hình di sản. Không nên áp dụng một cách tràn lan, máy móc và thiếu hiểu biết để dẫn tới những bất cập, hậu quả khó khắc phục.

Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia Cao Bằng:

Hiến kế bảo tồn, phát huy văn hóa Cao Bằng ảnh 2

“Văn hóa bản địa - “thỏi nam châm” cuốn hút”

Loạt bài đã đề cập rất nhiều vấn đề thời sự của du lịch Cao Bằng. Trong đó, câu chuyện trăn trở là làm sao để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, khéo léo xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc biệt, độc đáo, riêng có đậm đà bản sắc văn hóa của địa phương. Trong câu chuyện bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng thành các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân để cùng liên kết xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa, chữa bệnh độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đáng chú ý, du khách nước ngoài rất quan tâm, tò mò và thích thú khám phá, trải nghiệm phong tục, trang phục, bản sắc văn hóa bản địa. Ngành du lịch tỉnh Cao Bằng có thể xem xét kỹ khía cạnh này để xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo, thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Xác định văn hóa là cốt lõi để phát triển du lịch bền vững, thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ bảo tồn dân ca xã Thành Công. Chúng tôi cũng mời câu lạc bộ biểu diễn phục vụ du khách, góp phần giới thiệu, quảng bá những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Dao đến đông đảo du khách gần xa. Vào ngày lễ hội, Tết của đồng bào dân tộc Dao, khu du lịch miễn phí vé tham quan cho đồng bào và kiến tạo không gian để bà con hát Páo Dung; chơi trò chơi dân gian, tạo dựng nên không gian văn hóa người Dao độc đáo và đặc sắc.

Chuyên gia du lịch cộng đồng Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng phát triển du lịch châu Á (ATI)

Hiến kế bảo tồn, phát huy văn hóa Cao Bằng ảnh 3

“Cần chú trọng vào sản phẩm văn hóa”

Để bảo tồn và phát huy thì các sản phẩm văn hóa phải biến thành sản phẩm du lịch, trải nghiệm du lịch và nó phải mang lại lợi ích thiết thực cho bà con mới được coi là phát triển du lịch dựa trên giá trị truyền thống dần chuyển đổi sinh kế. Sản phẩm này không chỉ bán cho khách du lịch khi đến bản mà phải được đưa vào thị trường một cách tốt nhất trên mọi phương diện.

Trong số nhiều điểm đến mà loạt bài đề cập, làng du lịch cộng đồng Hoài Khao (Nguyên Bình) đã bảo tồn được giá trị của kiến trúc bản địa, đã tạo ra các dịch vụ trải nghiệm. Tuy nhiên, đáng tiếc nhất của điểm đến đầy tiềm năng này là kết nối. Nguyên Bình được du khách biết đến nhiều nhất bởi đồi cỏ, rừng thông và rừng trúc. Khách đến với rừng trúc rất đông nhưng cung đường chính từ rừng trúc để đưa khách đến bản gần 30 km nên đa phần khách từ chối điểm đến này. Trong khi cung đường phụ cần đầu tư để kết nối khách từ rừng trúc sang bản chỉ có hơn 4 km lại được để lại và tạo công ăn việc làm cho đội xe ôm của bản trong khi chẳng có một đầu mối hay kết nối nào. Đặc biệt là chẳng lái xe nào chịu đứng đó khi không có hệ thống kết nối rõ ràng và mang lại lợi ích.

Tôi cũng đánh giá Khu du lịch sinh thái Kolia là điểm sáng, từ tâm huyết của doanh nghiệp đã kết nối xây dựng cả hệ thống nông trại kết hợp với du lịch, kết nối và phát triển gắn với giá trị văn hóa địa phương. Kolia cần có một quy hoạch phân khu chi tiết cũng như phối cảnh tổng quan cho một farmstay ấn tượng và có một sức hút riêng biệt nhằm đẩy điểm đến này phát triển nhiều hơn nữa.

Với làng đá Khuổi Ky (Trùng Khánh), đón được lượng khách đến làng khá đông nhờ vào lượng khách đến thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao. Nhưng đâu đó trong làng đã có những người hiện đại hóa, bê-tông hóa theo phong cách hiện đại, nên dần phá đi cái giá trị quý nhất. Tính gắn kết cộng đồng chưa cao, mạnh ai người đó làm cũng là câu chuyện đáng lo.

Ông Lý Đạo Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cao Bằng Travel:

Hiến kế bảo tồn, phát huy văn hóa Cao Bằng ảnh 4

“Cần mở rộng thêm các tour du lịch đặc trưng”

Là một người con Cao Bằng và khởi nghiệp làm du lịch từ trước dịch Covid-19 đến nay, tôi luôn thấy phấn chấn khi du lịch Cao Bằng được “điểm danh”, được báo chí hay các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá cũng như chỉ ra việc cần làm, điều cần cải thiện. Loạt bài trên Thời Nay cũng vậy, rất nhiều thông tin chính xác, bổ ích đã được đưa ra, đa phần là về tiềm năng nổi bật và các tour tuyến ở phía tây. Thời điểm hiện tại (tháng 10) đang là cao điểm du lịch với mùa lúa chín và mùa hạt dẻ, đặc biệt sau sự kiện Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa qua, khách nước ngoài đến với Cao Bằng liên tục tăng.

Nói về tiềm năng du lịch văn hóa, tôi cũng muốn đề cập thêm một số tour du lịch tâm linh, trải nghiệm di sản kiến trúc lịch sử và phong tục tập quán đồng bào Tày-Nùng, chẳng hạn như đền Nùng Trí Cao, đền Dẻ Đóng, đền Chúa Then, đền Kỳ Sầm, Thành nhà Mạc... đón rất đông du khách thập phương và nhân dân Cao Bằng, bước đầu cũng được tỉnh Cao Bằng xây dựng các đề án du lịch tâm linh.

Đồng chí Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng:

Hiến kế bảo tồn, phát huy văn hóa Cao Bằng ảnh 5

“Văn hóa là cốt lõi để xây dựng bản sắc du lịch”

Với những tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, bản sắc văn hóa, tỉnh Cao Bằng chủ trương phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Địa phương đang tiếp tục triển khai các đề tài, đề án, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 về các nội dung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó có Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”; Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể được thống kê, lưu giữ; các xã, thị trấn trong tỉnh Cao Bằng đã thành lập hơn 800 đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ vừa bảo tồn giá trị di sản văn hóa đặc sắc, vừa phục vụ du khách, phát triển du lịch.