Trong bối cảnh còn ngổn ngang khó khăn của miền non nước, đã có những cá nhân, doanh nghiệp chủ động tìm lối đi riêng để cân đối giữa bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc với thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững. Nhờ đó, trên một số vùng đất đang khởi lên những nhịp điệu mới, mô hình mới... chuyển đổi dần từ tự phát sang tự giác.
Vì cộng đồng thì mới bền vững
Trên đỉnh núi Phia Ðén của huyện Nguyên Bình có một khu du lịch sinh thái mang cái tên lạ lùng, thơ mộng: Kolia - tên nữ kỹ sư người Pháp từng đặt chân tới nơi này. Người đặt nền móng, làm nên diện mạo, sức sống cho hệ sinh thái hơn 30 ha và tâm huyết đầu tư, bảo tồn bản sắc đồng bào các dân tộc… là ông Hoàng Mạnh Ngọc (sinh năm 1971) quê ở Nam Định. Người miền xuôi nhưng ông coi nơi này là quê hương thứ hai của mình. Ông hiểu đất, hiểu người bằng tình cảm thẳm sâu, tha thiết. Ở độ cao gần 2.000 m so mực nước biển, Phia Ðén quanh năm có sương mù bao phủ, quần tụ chung quanh vùng chân núi là đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao... tạo thành quần thể văn hóa giàu bản sắc.
Năm 2011, sau nhiều năm tháng ấp ủ, cùng với vợ là bà Hà Thị Hoa, ông quyết định đầu tư trồng chè hữu cơ và bảo tồn bản sắc Cao Bằng. Chỉ với sức người, lần lượt từng nẻo đường được mở để xe vào; đồi hoang, cây bụi được cải tạo. Bây giờ, bà con vẫn ôn lại ký ức năm tháng gia đình ông vỡ hoang, căng bạt dựng lều lán giữa nắng gió, sương mù, thao thức ươm chè giống mang từ Kim Tuyên, Thanh Tâm của Phú Thọ xuống đất Nguyên Bình, thao thức tìm nguồn nước để bảo đảm chăn nuôi, trồng trọt... Họ đã xây dựng mô hình du lịch với vòng tròn sinh thái khép kín từ lưu trú đến trồng trọt, chăn nuôi, ẩm thực, vui chơi...
Khi cây chè cho sản phẩm cơ bản, chủ yếu chế biến bằng phương pháp thủ công, ông Ngọc quyết định sang các tỉnh lân cận và nước ngoài để học tập kinh nghiệm, đầu tư thiết bị, máy móc nhằm phát triển hệ thống nhà xưởng với quy trình tự động hóa cao, chất lượng đúng tiêu chuẩn. Nhờ đó, sản lượng chè tăng mạnh, đa dạng về chủng loại từ trà xanh thơm, trà ô long, thanh trà, bạch trà, hồng trà, phổ nhĩ... Năm 2017, Kolia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân khu vực Phia Ðén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”. Từ đó, có thêm những khu nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương được áp dụng để canh tác một số loại rau, hoa ôn đới an toàn, chất lượng cao như bắp cải, đậu Hà Lan, súp lơ… an toàn theo tiêu chuẩn, quy mô đạt hơn 20 ha mỗi vụ. Chưa dừng lại, những người dân Nguyên Bình như ông Ngọc đang đẩy mạnh triển khai trồng nhiều loại dược liệu quý trong đó có các loại sâm. Các nhà khoa học được mời lên để nghiên cứu thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh của Kon Tum, Gia Lai về đây. Kết quả cho thấy, điều kiện độ mùn, chất đất, khí hậu ở đây phù hợp và người dân còn nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Ở Việt Nam, mô hình này đã có nhưng hầu hết đều ở môi trường trong nhà; còn hiện tại, bà con Nguyên Bình đang áp dụng nuôi trồng tự nhiên, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao hơn rất nhiều.
Chị Bàn Thị Lan người dân tộc Dao là lao động hợp đồng tại khu sinh thái với mức thu nhập ổn định. Ngoài trồng trọt theo mùa vụ, chị còn tham gia hướng dẫn khách du lịch, biểu diễn văn nghệ với những điệu múa, bài hát dân ca của dân tộc mình và chăm sóc sức khỏe du khách bằng các bài thuốc cổ truyền. Ðồng bào Dao chiếm tỷ lệ khá cao tại đây nên việc giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống được chú trọng. Nhiều tour du lịch từ Kolia tỏa đến các bản làng để du khách trải nghiệm nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lao động sản xuất của người dân. Dự định của ông Hoàng Mạnh Ngọc là kết hợp với chính quyền, các đơn vị văn hóa phục dựng lại 12 khu nhà đặc trưng cho 12 nhánh của dân tộc Dao; vận động bà con tới sinh sống, làm việc và phục dựng bảo tàng sống động về văn hóa, lao động sản xuất của người Dao. Mô hình này góp phần bảo tồn bản sắc qua lễ cấp sắc, tục vẽ tranh thờ, các làn điệu dân ca và nhạc cụ, nghệ thuật chạm bạc, thêu nhuộm... và tạo thu nhập ổn định cho bà con.
“Phia Đén có nghĩa là núi đèn, huyền tích lưu lại ngọn núi này đêm đêm có lân tinh. Phia Oắc, thực ra đọc đúng là Phia Oác nghĩa là núi có gỗ Ngọc Am, Hoài Khao cần đọc đúng là Vài Khao có nghĩa là trâu trắng…”, ông Ngọc vừa chuyện trò, vừa cắt nghĩa tên đất, nhiều cái tên đã bị gọi chệch đi. Mắt ông đọng lại niềm băn khoăn còn bỏ ngỏ. Có thể hiểu vì sao ông thành công với mô hình du lịch bền vững, đó chính là sự bắt nguồn từ tình yêu sâu nặng với nơi mình gắn bó. Chẳng thế mà bà con trong vùng không quên nhắn gọi ông về bản mỗi dịp lễ, Tết, mỗi mùa thu hoạch sáp ong để tạo hình trên nếp áo chàm xanh thẫm.
Phim trường “Đèn âm hồn” của YouTuber Hoàng Nam ở Chí Viễn, Trùng Khánh, Cao Bằng. |
Lạ hóa từ cái quen thuộc
Làng đá cổ Khuổi Ky ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh chỉ có chừng 16 hộ, hầu hết là người dân tộc Tày. Làng trải rộng khoảng 1 ha, cách khu du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao vài km. Nét độc đáo ở Khuổi Ky là những ngôi nhà sàn làm bằng đá, lợp ngói âm dương có tuổi đời hàng trăm năm, tựa lưng vào núi và hướng mặt về dòng suối trong xanh. Nhà sàn đá được xây dựng từ thời nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách. Bởi thế, Khuổi Ky ẩn chứa kho tàng văn hóa lịch sử, tri thức bản địa độc đáo và bí ẩn.
Hiện nay, các mô hình du lịch mới tại đây đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Người làng Khuổi Ky vừa chăm chỉ lo việc đồng áng, vừa học tập cách triển khai du lịch theo hướng bắt kịp xu thế mới nhưng vẫn chú trọng bảo tồn văn hóa bản địa. Vợ chồng anh Lù Văn Tân thuộc thế hệ 9x, là điển hình của thế hệ trẻ hăng say khởi nghiệp với du lịch cộng đồng. Tại làng Khuổi Ky có 7 hộ. Các hình thức tiếp cận, quảng bá bằng công nghệ. Anh Tân hướng dẫn bà con livestream, lan tỏa qua mạng xã hội và lập trang web cho các cơ sở du lịch của từng nhà. Vài năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến với huyện Trùng Khánh có tới hơn 80% là tới Khuổi Ky.
Làng đá cổ độc đáo này cũng đang được đoàn làm phim “Thám tử Kiên” của đạo diễn Victor Vũ chọn làm bối cảnh chính. Bên cạnh đó, nhiều địa điểm khác của Cao Bằng khi trở thành phim trường đã thúc đẩy du lịch phát triển đáng kể. Nhận thức được sức ảnh hưởng, những năm gần đây chính quyền, cơ quan chuyên môn của tỉnh Cao Bằng đã quan tâm, tạo điều kiện tối đa để thu hút các dự án. Có thể kể đến các bộ phim, như: “Đi giữa trời rực rỡ” ghi hình tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng có người Dao đỏ sinh sống thuộc địa bàn các huyện: Trùng Khánh, Nguyên Bình, Quảng Hòa phát sóng trên kênh VTV3.
Cũng tại Trùng Khánh, trào lưu du lịch theo mùa hạt dẻ đang tạo sức hút lớn với du khách. Nếu trước đây, bà con chỉ đơn thuần chăm sóc, thu hoạch hạt dẻ thì nay đã hình thành các tour tham quan, trải nghiệm đầy lý thú. Mùa hạt dẻ chỉ kéo dài chừng 20 ngày và chính người dân Cao Bằng muốn mua còn phải đặt hàng từ sớm với các hộ dân xã Đàm Thủy, Chí Viễn, thị trấn Trùng Khánh… bởi sản lượng tại vườn không nhiều. Trong khu vườn sắp đến mùa thu hoạch của hộ gia đình ông Hoàng Văn Du ở xóm Bó Đa, thị trấn Trùng Khánh, từng chùm hạt dẻ gai góc, trĩu trịt. Ông kể: Mình là bộ đội, vợ là giáo viên, trước đây mùa thu hoạch các em học sinh còn đến giúp. Bây giờ, nhu cầu khách tham quan đã tăng nên gia đình quyết định mở cửa đón khách. Những gốc dẻ cổ thụ, trên chạc cây gắn biển đề “Cây dẻ đầu dòng” kèm mã hiệu nguồn giống là niềm tự hào của người dân mỗi khi bắt đầu rủ rỉ kể câu chuyện đời ông, đời cha mình đã gắn bó thế nào, kỷ niệm ra sao... là món quà tinh thần níu lòng du khách. Cách người Trùng Khánh tự hào kể chuyện đá, chuyện cây mà cũng sẵn sàng mở lòng trải nghiệm, kiến tạo những giá trị mới thắp lên hy vọng về ngày mai khá hơn và khác hơn.
Dự án phim “Đèn âm hồn” của YouTuber Hoàng Nam quay tại các điểm: Mắt Thần Núi, thác Bản Giốc, thác Cò Là, vườn dẻ cổ thụ… sẽ khởi chiếu tại các rạp chiếu phim dịp Tết năm 2025. Một số dự án MV cũng lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi, khơi gợi cảm hứng khám phá, trải nghiệm cho Cao Bằng như MV “Hành hương trên đồi cao” của ca sĩ Cẩm Vân ghi hình tại đồi cỏ Ba Quáng…
(Còn nữa)