Tìm giải pháp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu

NDO - Ngày 27/2, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình diễn ra Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13. Đây là sự kiện thường niên của ngành điều, là dịp kết nối giao thương và bàn những giải pháp phát triển bền vững ngành điều của Việt Nam cũng như thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 diễn ra tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 diễn ra tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, Hiệp hội Điều các nước và doanh nhân đến từ hơn 40 nước và vùng lãnh thổ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công, năm 2022, 2023, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành điều đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19 thì bên cạnh những di chứng nặng nề của đại dịch, kinh tế, xã hội thế giới lại bị tác động lớn của cuộc xung đột trên thế giới.

Lạm phát cao trên toàn cầu, ngân hàng trung ương các nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, kinh tế thế giới đình trệ, sức mua của người tiêu dùng suy giảm.... tác động mạnh tới ngành điều Việt Nam và thế giới.

Tìm giải pháp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu ảnh 1
Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, giá điều nhân của các nước sản xuất lớn như: Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Brazil cũng giảm mạnh. Riêng giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam vốn đã giảm trong những năm trước, lại tiếp tục giảm xuống thấp trong năm 2023.

Nguyên nhân không chỉ ở sự tranh mua đầu vụ của các nhà chế biến mà còn là do một số nước quy định giá xuất khẩu tối thiểu; áp thuế và nhiều loại phí đối với điều thô xuất khẩu.

“Việt Nam là trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu vì nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô của thế giới và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu. Do vậy, nếu xảy ra tình trạng đóng cửa hàng loạt các nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu sẽ bị đứt gãy dẫn tới điều nhân trên thị trường bị thiếu hụt và điều thô sẽ dư thừa. Đời sống của người trồng điều sẽ gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời sẽ gây ra thiệt hại chung tới chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu”, ông Phạm Văn Công nói.

Tìm giải pháp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu ảnh 3
Ông Michael Waring, Chủ tịch Hội đồng hạt quả khô quốc tế đánh giá cao vai trò của ngành điều Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu.

Tại hội nghị, bên cạnh việc kết nối giao thương, cung cấp thông tin, tăng cường các mối quan hệ song phương giữa các tổ chức quốc tế liên quan đến ngành điều và Hiệp hội Điều Việt Nam với các nước, các đại biểu đã phân tích, đánh giá và đề xuất những giải pháp, sáng kiến nhằm định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, trong đó có sự điều chỉnh thích hợp chuỗi giá cả điều toàn cầu.

Từ đó giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định, bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra triển lãm điều, các phiên tọa đàm về sản xuất, kinh doanh điều thô, điều nhân, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp và lễ trao giải trống đồng VINACAS.

Hội nghị diễn ra đến ngày 28/2.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2023, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt 645.316 tấn, tăng 24,33 % so năm 2022. Đây là kỷ lục mới trong lịch sử ngành điều Việt Nam. Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2023, ngành điều Việt Nam đã mang về gần 3,583 tỷ USD, tăng 18,78 % so năm 2022. Như vậy, sau khi tăng trưởng âm cả về lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, ngành điều Việt Nam đã có sự phục hồi và tăng trưởng khá tốt trong năm 2023. Điều đó cho thấy, dù kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn song các thị trường vẫn có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hạt điều.