Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay cả nước có khoảng 322.000ha trồng điều với năng suất 11,2 tạ/ha, sản lượng 341.000 tấn.
Năng suất giảm
Tỉnh Bình Phước hiện có 150.000ha điều, sản lượng đạt khoảng 170.000 tấn hạt/năm, chiếm 50% diện tích và hơn 50% sản lượng điều của cả nước. Trong những năm gần đây, người trồng điều trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, sản lượng điều sụt giảm 30 đến 40% cộng thêm giá hạt điều nhân xuống có lúc dưới 21.000 đồng/kg, ảnh hưởng đến thu nhập.
Theo các hộ dân trồng điều ở các huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập, năm nay thời điểm điều ra hoa trời mưa nhiều, nên tỷ lệ đậu quả giảm. Mặc dù vừa thu hoạch vụ điều năm 2023 với sản lượng được gần 4 tấn hạt tươi nhưng ông Điểu Keng ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập không vui như mọi năm. Theo ông Điểu Keng, năm trước với 4ha điều gia đình thu hoạch được 8 tấn nhưng năm nay sản lượng chỉ bằng một nửa.
Với sản lượng như này, trừ hết chi phí, tiền thu về coi như lỗ công chăm sóc. Tương tự, vườn điều của gia đình ông Phạm Xuân Láng ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập với diện tích hơn 30ha đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng qua tính toán đã biết chắc lỗ vốn. Ông Láng cho biết: “Vườn điều của gia đình khi đang ra hoa thì trời mưa, đến khi điều kết trái bị khô đen rồi rụng. Cả năm chăm sóc, giờ tiền thu vào không đủ trả chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu và công thu hoạch”.
Bí thư Huyện ủy Bù Đăng, Vũ Lương cho biết: “Bù Đăng là huyện nông nghiệp, cây trồng chủ lực là cao-su và điều, trong đó cây điều chiếm hơn 1/4 diện tích toàn tỉnh. Vụ điều năm nay, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng, năng suất. Mặc dù huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc và biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhưng sản lượng điều vẫn quá thấp, chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha, nông dân thất thu 40% đến 50%”.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2022 diện tích điều tại các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai bị thu hẹp đáng kể, riêng Bình Phước từ 175.000ha đến 180.000ha trước đây, nay xuống còn 150.000ha. Vụ điều năm nay, hiện đã thu hoạch xong, năng suất trung bình tiếp tục giảm sâu so với 2022. Nguyên nhân là do mùa mưa kéo dài cộng thêm khí hậu tháng 12/2022 và tháng 1, tháng 2/2023 lạnh hơn nên đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây điều. Bên cạnh đó, giá điều nhân thấp, nhà chế biến đang bị lỗ dẫn đến người trồng điều gặp nhiều khó khăn.
Giảm chi phí chế biến để tăng sức cạnh tranh
Ngành chế biến điều Việt Nam hằng năm tiêu thụ hàng triệu tấn điều thô, tuy nhiên, sản lượng điều thô của nước ta chỉ hơn 300.000 tấn, phần lớn phải nhập khẩu, chủ yếu từ châu Phi và Campuchia. Mục tiêu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điều nhân của nước ta đạt khoảng 3,1 tỷ USD.
Đến hết quý I, đã xuất khẩu hơn 112.000 tấn, doanh thu đạt hơn 642 triệu USD. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam, Bạch Khánh Nhựt: “Những tháng gần đây, xuất khẩu điều nhân tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giá điều nhân rẻ, cước vận tải biển giảm mạnh… cho nên các siêu thị giảm giá bán nhằm tăng lượng tiêu thụ. Hơn nữa, tại thị trường Mỹ, châu Âu, 3 tháng qua tiêu thụ khá tốt.
Thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nền kinh tế bắt đầu phục hồi nên tiêu thụ đang tăng; tại các thị trường khác như Trung Đông, Đông Bắc Á tình hình tiêu thụ cũng tốt lên. Nhưng những năm qua, công suất chế biến tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm dẫn đến tình trạng tranh mua hạt điều thô khiến giá mua tăng nhưng giá bán điều nhân rẻ…
Trong khi đó, lãi suất ngân hàng cao, các chi phí khác cho chế biến, xuất khẩu như: nhân công, bao bì, năng lượng… đều tăng dẫn đến thua lỗ trong chế biến. Do sản lượng trong nước thấp, các doanh nghiệp chế biến phụ thuộc vào điều thô nhập khẩu cho nên mọi biến động từ các nước sản xuất đều ảnh hưởng đến ngành điều Việt Nam”. Theo Hội Điều Bình Phước, niên vụ điều năm 2023 do chi phí sản xuất, lãi suất ngân hàng tăng…, các doanh nghiệp chế biến điều trên địa bàn tỉnh gặp khó.
Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến hạt điều trong nước cũng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của doanh nghiệp một số nước trên thế giới đang nổi lên. Theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến điều trong nước thì doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính, áp dụng công nghệ vào chế biến và lợi thế hơn về giá điều thô.
Để phát triển bền vững ngành điều, theo Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Long Sơn, Vũ Thái Sơn: “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các quốc gia trồng và các quốc gia nhập khẩu hạt điều đều coi chỉ dẫn địa lý như một công cụ để cạnh tranh.
Vì vậy, giải pháp căn cơ hiện nay là rà soát, chuẩn hóa lại quy trình, thủ tục cấp và quản lý chỉ dẫn địa lý hạt điều nhằm tái khẳng định thương hiệu chất lượng của hạt điều Bình Phước; củng cố sự minh bạch và tăng cường sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam, Bạch Khánh Nhựt cho rằng, các địa phương và người dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để thực hiện cải tạo vườn điều; tái canh, trồng mới bằng những giống điều mới có năng suất và chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây điều.
Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến tiếp tục đầu tư, thường xuyên nâng cấp, hoàn thiện dây chuyền, thiết bị công nghệ chế biến điều nhân để tăng năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường, xã hội... đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Mặt khác cần giảm chi phí chế biến để tăng sức cạnh tranh và thu nhập; đẩy mạnh đầu tư cho chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, phù hợp nhu cầu và thị hiếu của các quốc gia nhập khẩu nhằm nâng cao giá trị hạt điều Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách, biện pháp thích hợp để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng, công bằng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều.