Tìm giải pháp để phục hồi, tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng

NDO - Sáng 29/12, Cục Thống kê Đà Nẵng tổ chức công bố số liệu tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2023 và dự báo tình hình năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Công bố số liệu tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2023 và dự báo tình hình năm 2024.
Công bố số liệu tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2023 và dự báo tình hình năm 2024.

Trong năm, do ảnh hưởng của thời kỳ hậu dịch bệnh, lạm phát, suy thoái..., kinh tế thành phố Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng nhưng ở mức thấp, chỉ tăng 2,58% so năm 2022 và phụ thuộc phần lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ.

So với cả nước, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương về tăng trưởng kinh tế; thứ 4/5 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung; xếp vị trí 13/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong lĩnh vực xây dựng, nhu cầu xây dựng nhà ở tại Đà Nẵng có xu hướng bão hòa; giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng... dẫn đến giá trị sản xuất ngành xây dựng giảm sâu. Bên cạnh đó, tiến độ thi công các dự án chậm do các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để, tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2023 giảm 8,36% so năm 2022.

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế của Đà Nẵng, với mức tăng 4,10%, trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 41,79%; dịch vụ khác 30,68%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,83%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 20,80%... Hai ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhưng có mức giảm sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung là kinh doanh bất động sản giảm 29,28%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô-tô, xe máy giảm hơn 5,12%;

Trong năm 2023, Đà Nẵng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 4.173 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 18.059 tỷ đồng; giảm 6,7% về số doanh nghiệp và giảm 20,6% về số vốn so với năm 2022. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 26%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 14,7% so năm 2022.

Tổng thu ngân sách nhà nước của Đà Nẵng đến 20/12 đạt 19.715 tỷ đồng, giảm 14,8% so cùng kỳ năm 2022, trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 5.150 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 14.565 tỷ đồng. Hầu hết các khoản mục thu đều giảm sâu, xuất nhập khẩu giảm 49,8% so cùng kỳ năm 2022.

Để phục hồi và phát triển kinh tế, Đà Nẵng đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trước hết cần duy trì nhịp độ tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi, bám biển; kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc; áp dụng các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm.

Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cần duy trì nhịp độ tăng trưởng của một số ngành sản xuất đang có mức tăng cao, như sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất phụ tùng của xe có động cơ. Chủ động tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, góp phần mở rộng quy mô sản xuất đối với các ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; Sản xuất trang phục; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành đang trên đà giảm sâu như chế biến gỗ; sản xuất kim loại đúc sẵn; sản xuất sản phẩm cao su và plastic; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (đồ chơi trẻ em, thiết bị câu cá...).

Tìm giải pháp để phục hồi, tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng ảnh 2
Đà Nẵng tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: dịch vụ du lịch chất lượng cao, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin... để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.

Trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay, dịch vụ chiếm 70,4% trong GRDP, do đó năm 2024 rất khó để tạo sự bức phá ngoạn mục, vì vậy cần giữ vững tăng trưởng một số ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực dịch vụ như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ hành chính và hỗ trợ; hoạt động thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Ngoài ra, tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành lợi thế cạnh tranh cao, hình thành các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, hoặc cải thiện hệ thống quản trị theo hướng hiệu quả hơn. Trong đó, cần tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: dịch vụ du lịch chất lượng cao, dịch vụ logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; huy động và khai thác tối đa, bền vững các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của thành phố.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát, bồi dưỡng nâng cao và sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phục vụ cho tăng trưởng và phát triển. Theo đó, cần phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn lực đầu vào như: nguyên, nhiên vật liệu, vốn, lao động, công nghệ; sử dụng hiệu quả quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa, sản phẩm đến các kênh phân phối và người tiêu dùng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tiếp tục rà soát, đánh giá tính hiệu quả của các dự án đầu tư trên địa bàn và có những cam kết, biện pháp xử lý phù hợp đối với những dự án dừng thi công nhiều năm; tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch và tránh đầu tư dàn trải.

Thực hiện quản lý đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, tùy tiện kém hiệu quả, phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái. Khắc phục tình trạng tiêu cực, lãng phí, thất thoát trong đầu tư; tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về quản lý đầu tư.

Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố. Cần có kế hoạch, lộ trình phát triển và đổi mới công nghệ vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo ra sự bứt phá của một số ngành sử dụng công nghệ cao, có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.