Nhiều ngành hàng tận dụng tốt các FTA
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang là một trong những mặt hàng đang tận dụng tương đối tốt lợi thế từ các FTA. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 10 tháng năm 2024, dệt may đứng thứ 4 trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với 30,572 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang các thị trường có FTA tăng trưởng rất tốt. Trong đó riêng thị trường khối CPTPP đã chiếm khoảng 16%.
“Hiệp định CPTPP được đánh giá là đã định hình ra một thị trường có tính toàn cầu. Sau khi có hiệp định, ngành dệt may Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập vào một số thị trường trong khối CPTPP, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Nam Mỹ, Canada, New Zealand, Mexico - những thị trường trước đây chúng tôi gặp khó khăn. Nhưng sau khi hiệp định thương mại có hiệu lực, chúng tôi đã đột phá vào những thị trường này và có tăng trưởng cực kỳ tốt”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện, mặt hàng đang tận dụng tốt những ưu đãi từ các FTA. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, 10 tháng qua, các thị trường lớn nhất của Việt Nam đều là các thị trường có các FTA song phương và đa phương.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 50,8 tỷ USD, tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 8,9%); Hàn Quốc ước đạt 21 tỷ USD, tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,6%); Nhật Bản ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).
Tuy đã có một số thành công, song việc xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường có FTA không hoàn toàn chỉ là lợi thế. Đơn cử, Australia hiện nay có với Việt Nam 3 FTA gồm AANZFTA (FTA Australia-ASEAN-New Zealand); Hiệp định CPTPP, RCEP, tuy nhiên, Australia được đánh giá là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu nghiêm ngặt.
Việt Nam hiện được xuất khẩu vải, nhãn, thanh long, chanh leo sang Australia, song tại thị trường này, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Australia cũng yêu cầu nhiều quy định về nhập khẩu như: chính sách thuế và thuế suất; quy định về bao bì, nhãn mác; quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch; quyền sở hữu trí tuệ; thương hiệu; tập quán kinh doanh,... Đây cũng là một thị trường có nền nông nghiệp nội địa dồi dào, phong phú. Chính vì vậy, nếu muốn thâm nhập thị trường Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm, thay vì giá thành.
Hoặc tại khối thị trường CPTPP, theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, trong đó có mặt hàng dệt may vào địa bàn sẽ ngày một khó. Bên cạnh nguyên nhân từ thị trường suy giảm, thách thức nữa đến từ góc độ cạnh tranh. Hàng hóa của Việt Nam đã và đang mất dần các lợi thế thuế quan do Hiệp định CPTPP mang lại bởi Canada đã và đang đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…). Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để tận dụng tốt nhất các lợi thế từ các FTA.
Ngành cà-phê dự kiến được lợi khi hệ sinh thái FTA đi vào cuộc sống. |
Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp
Để tận dụng hiệu quả nhất các FTA, “bài toán” đầu tiên doanh nghiệp đang tập trung hoàn thiện là bảo đảm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Hiện nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã lưu ý doanh nghiệp khi xuất khẩu gỗ phải truy xuất nguồn gốc để bảo đảm tính hợp pháp của nguyên liệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn phải tăng cường trách nhiệm giải trình, làm sao để mỗi nguyên liệu đưa vào chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng và không gây mất rừng, suy thoái rừng.
Thời gian qua, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã liên tục có các khoá đào tạo cho các doanh nghiệp về thực hành trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, Hiệp hội triển khai các chương trình tuyên truyền khuyến cáo các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực quản trị, vì hiện nay, ngoài thuận lợi do các FTA mang lại thì vẫn còn nhiều rủi ro bất trắc, các doanh nghiệp khi đặt bút ký hợp đồng phải tìm hiểu kỹ hơn các đối tác để tránh rủi ro không đáng có.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, để tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, hiện Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA. Hệ sinh thái này giúp kết nối tất cả các chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị. Chẳng hạn như ngành thủy sản, kết nối từ người nông dân nuôi trồng thủy sản đến các công ty thu mua, công ty chế biến, các tổ chức tín dụng, logistics, kết nối với địa phương, bộ, ngành.
Hệ sinh thái này trước mắt sẽ tập trung vào 6 ngành: dệt may; da giày; thủy sản; cà phê; quế và điều với mục tiêu đưa các chủ thể và tận dụng tối đa sức mạnh của các chủ thể để từ đó có được các định hướng trọng tâm để tận dụng tối đa các FTA. Dự kiến tháng 9/2025, hệ sinh thái có thể đi vào cuộc sống, lúc đấy vấn đề vướng mắc cũng có thể phần nào được giải quyết. Hệ sinh thái được ban hành thì sẽ tập trung nguồn lực từ phía các bộ, hiệp hội, tạo sự tập trung nguồn lực khai thác FTA hiệu quả hơn nữa.