Sáng 20/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Tập trung vào 6 nhóm nội dung chính
Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo thể chế hóa chủ trương đổi mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, mục đích ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình về dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH) |
Đồng thời, bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Cùng với đó, tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.
Sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có 6 chương và 66 điều (giảm 1 chương và giảm 5 điều so với Luật hiện hành). Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Cụ thể, chính sách 1: Bảo đảm thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá.
Chính sách 2: Thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn.
Chính sách 3: Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), ban hành Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN/QCĐP); nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn.
Chính sách 5: Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời bảo đảm hiệu quả, đúng quy định pháp luật, điều ước quốc tế trong quản lý, sử dụng và khai thác tiêu chuẩn.
Chính sách 6: Tăng cường phân cấp, phân quyền, phối hợp giữa các bộ ngành, giữa cơ quan trung ương và địa phương; đổi mới cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.
Đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các FTA
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Về đánh giá sự phù hợp, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với việc sửa đổi các quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các FTA. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả của hoạt động này, đặc biệt là hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Thường trực Ủy ban đồng tình với quy định thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức quốc tế, nước ngoài là giải pháp tối ưu, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay đối với một số lĩnh vực công nghệ mới nổi mà nguồn lực trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định, phù hợp thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây là quy định mới, cần được quy định cụ thể để hướng dẫn bộ, ngành thực hiện việc thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Về việc công bố hợp chuẩn, hợp quy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thử nghiệm phục vụ chứng nhận của tổ chức chứng nhận; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc kết quả thử nghiệm được thừa nhận; bổ sung thêm 1 biện pháp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận được thừa nhận (Điều 57).
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc điều chỉnh, bổ sung quy định trên là phù hợp với cam kết minh bạch hóa tại các FTA mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý.
Về xây dựng, thẩm định, công bố TCVN theo trình tự, thủ tục rút gọn, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết bổ sung quy định về thủ tục rút gọn trong xây dựng, thẩm định và công bố TCVN cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị phân định rõ các trường hợp áp dụng “đột xuất; khẩn cấp; cấp bách; TCVN trái pháp luật” để thuận lợi khi áp dụng; cân nhắc quy định tiêu chí áp dụng thủ tục rút gọn trong “trường hợp TCVN, QCVN không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội”; quy định rõ trình tự, thủ tục bãi bỏ TCVN và trình tự, thủ tục thẩm định việc bãi bỏ TCVN.