Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

NDO - Theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), giá trị xuất khẩu lâm sản từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 28% so cùng kỳ năm 2022, trong đó, kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm chủ lực của của khối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều giảm.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ nguyên liệu TAVICO (Đồng Nai).
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ nguyên liệu TAVICO (Đồng Nai).

Một trong những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm đó là do có sự chậm trễ trong thực hiện chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp của Chính phủ tại một số cơ quan có liên quan...

Những thách thức và dự báo

Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, do vậy yêu cầu tuân thủ các quy định tại các thị trường ngày càng cao và khắt khe.

Cùng với các quy định trước đây, nay các doanh nghiệp phải đối diện với nhiều chính sách mới từ các thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp ngành gỗ phải tuân thủ quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về chống phá rừng cũng như trách nhiệm giải trình cùng với việc phải thực hiện tốt Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và các quy định liên quan khác

Các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều và phức tạp. Tần suất ngành gỗ đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều. Nếu từ năm 2015 đến năm 2019 ngành gỗ chỉ phải đối diện với 2 vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhỹ Kỳ và Hàn Quốc thì từ năm 2020 cho tới nay đã đối diện với 5 vụ việc: 4 vụ việc xuất phát từ thị trường Mỹ (vụ việc điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo điều khoản 301 Luật Thương mại Mỹ; vụ việc gỗ dán cứng, tủ gỗ, sản phẩm sử dụng mặt đá nhập từ trung quốc); 1 vụ việc xuất phát từ thị trường Canada.

Thị trường Nhật Bản cũng đã đặt ra yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này có chứng chỉ bền vững.

Thị trường Đức, hiện đang áp dụng Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu phía Đức yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải, các chứng chỉ trách nhiệm xã hội, chứng chỉ quản lý bền vững (FSC)….

Thị trường Canada, chính phủ nước này đã công bố tài liệu khung về quy định đối với việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa.

Dự báo triển vọng thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tốt hơn lên. Hiện đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như tại thị trường Mỹ.

Số liệu của Bộ Thương mại nước này đã công bố tăng trưởng GDP là 2%, tăng từ mức 1,3% công bố đợt tháng 5 và cao hơn 0,3% so dự báo của các cơ quan phân tích.

Dữ liệu mới đã góp phần khiến bức tranh kinh tế của Mỹ giai đoạn đầu năm trở nên khả quan hơn; đồng thời giữa tháng 7 vừa qua DOC Mỹ đã công bố quyết định sơ bộ quyết định điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Do vậy dự báo khả năng mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại.

Tháo gỡ kịp thời

Chỉ ra những khó khăn, thách thức của ngành gỗ, ngày 9/8, tại hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản, Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập cho biết, ngày 13/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 5631/NHNN-TD hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho doanh nghiệp và giao cho ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tuy nhiên cho tới nay các ngân hàng thương mại chưa thực hiện đầy đủ chủ trương này.

Các doanh nghiệp chưa nhận được thông báo giảm lãi cho các khoản vay cũ, chủ yếu chỉ áp dụng cho các khoản vay mới. Về hạn mức tín dụng, tùy uy tín và đơn hàng của doanh nghiệp mà ngân hàng có hạn mức tín dụng khác nhau, tuy nhiên ngân hàng chỉ áp dụng cho vay khi có đơn hàng và đánh giá rủi ro đối với đơn hàng này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và đưa có khuyến cáo các doanh nghiệp cần thực hiện và sử dụng đa dạng hóa các chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam.

Về các loại thuế giá trị gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện ngày 26/5/2023 yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay việc hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng đến nay kết quả hoàn thuế bị chậm của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Về lĩnh vực xác minh nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước, hiện việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trong nước được thực hiện theo Thông tư 26/TT-BNNPTNT, tuy nhiên tới thời điểm này, khi các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ theo quy định vẫn gặp khó khăn, khi chỉ xác minh được bảng kê của sản phẩm chứ không xác minh tới người trồng rừng, gây ách tắc trong quá trình xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) khi xuất khẩu.

Một số tỉnh, thành phố áp dụng xác minh bảng kê lâm sản qua cổng dịch vụ công quốc gia, điều này không khả thi khi người trồng rừng ở các vùng sâu xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thể cập nhật, áp dụng các công nghệ mới, hiện đại thay vì thực hiện theo phương pháp truyền thống...

Giải pháp để tăng trưởng

Để đáp ứng với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ở các nước xuất khẩu, các doanh nghiệp gỗ đã và đang tích cực triển khai một số giải pháp để mở rộng kết nối thị trường trong và ngoài nước để thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.

Các Hiệp hội và doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi các hội chợ triển lãm trong ngành gỗ để giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị ngành gỗ, phụ kiện… nhằm giới thiệu, kết nối và thu hút các khách hàng quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chủ động phát triển các dòng sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng

Để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp ngành gỗ, VIFOREST đề nghị cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững.

Để làm được việc này các doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và đưa có khuyến cáo các doanh nghiệp cần thực hiện và sử dụng đa dạng hóa các chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam.

VIFOREST cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành trao đổi, giới thiệu các chứng chỉ quản lý rừng quốc gia của Việt Nam đồng thời đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

Cần thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới “cam kết Netzero” trong ngành gỗ. Để triển khai được, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết netzo; đồng thời cần hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất xanh trong nhà máy chế biến gỗ để giảm phát thải cac-bon.