Góc nhìn

Tìm dư địa từ các động lực tăng trưởng mới

Năm 2024 là thời điểm nền kinh tế Việt Nam xác định tăng tốc để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho giai đoạn 2021-2025, từ đó tạo nền tảng hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Đạt
Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Đạt

Dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy đây sẽ là một năm nền kinh tế đối mặt với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng yếu tố khó khăn, thách thức có thể lớn hơn dự báo, nhất là trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về làm mới các động lực tăng trưởng cũ đồng thời với khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới chính là dư địa cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, cả ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế gồm đầu tư công, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu đều đứng trước đòi hỏi phải chuyển đổi xanh và phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững.

Yêu cầu này đặt ra nhiệm vụ phải thực hiện ban hành và thực thi chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư. Trong khi đó, động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam đến từ việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng hydrogen...

Đáng lưu ý, việc khơi thông động lực tăng trưởng mới được đánh giá là có nhiều triển vọng vì trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Kết quả này có được một phần nhờ vào việc đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, tận dụng các cơ hội khi Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023), đưa tỷ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP.

Theo các chuyên gia kinh tế, các động lực mới sẽ được khơi thông nếu tiến trình hoàn thiện thể chế được đẩy nhanh, nhất là sớm thông qua Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các luật sửa đổi khác nhằm tạo điều kiện cho các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính-ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và bao trùm, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Cùng với đó là thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, cam kết Net zero đến năm 2050; có kế hoạch cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu... Hơn nữa, dư địa cho tăng trưởng cũng đến từ việc thực thi hiệu quả liên kết vùng, phát huy sức mạnh của các đầu tàu kinh tế, các trục tăng trưởng...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lạc quan hơn. Để tạo đà cho tăng trưởng năm 2024, việc cần làm là thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành ngay từ những ngày đầu năm mới, nhất là cần khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy mạnh mẽ những tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.