KINH TẾ VĨ MÔ VIỆT NAM NĂM 2023

MỘT NĂM VƯỢT KHÓ – THÁCH THỨC VẪN CÒN

Từ cuối năm 2022, khi tăng trưởng Quý III/2022 của Việt Nam đang ở mức trên 8% (cao nhất từ trước tới nay), một số báo cáo chuyên sâu về kinh tế vĩ mô đã có những cảnh báo thận trọng về diễn biến khó lường trong năm 2023.

Quả thật, một số điểm yếu căn bản trong nền kinh tế, như giải ngân đầu tư công, nguồn cung năng lượng, khả năng nội địa hóa hàng xuất khẩu v.v.. và những “cơn gió ngược” về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, tâm lý tiêu dùng bất ổn định, v.v… đã khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp nhất trong hơn mười năm trở lại đây.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân nhằm khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng, Việt Nam đã có một năm vượt khó xuất sắc. Tất nhiên, nhiều thách thức lớn vẫn còn tồn tại và cần sớm được giải quyết khi bước sang năm 2024.

Những con số biết nói

Nhìn lại các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023, giới quan sát có thể nhận ra một xu thế chung là hầu hết các chỉ số đều có biểu hiện “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước”. Điều này chủ yếu đến từ diễn biến sụt giảm khá mạnh ở những tháng đầu năm và sự phục hồi về cuối năm. So sánh chung cả năm, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều có vẻ như thể hiện một năm đầy nỗ lực duy trì vượt khó.

Thứ nhất, giá trị tăng thêm của hai ngành chủ lực của nền kinh tế là dịch vụ và công nghiệp và xây dựng đều ở mức không cao trong năm 2023.

Riêng ngành công nghiệp, tính chung cả năm giá trị tăng thêm tăng 3,02%, là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2011-2023.

Điều này đến từ việc giá trị tăng thêm ngành này đã bị co hẹp trong quý I/2023 (tăng trưởng âm ở mức -0,73% so cùng kỳ năm trước) và chỉ dần dần phục hồi sau đó (ở mức 0,86%; 4,51% và 6,86% các quý sau) [1].

Trong khi đó, ngành du lịch không thể duy trì được đà tăng trưởng của năm 2022 mà chỉ giữ được ở mức cận dưới so với xu thế dài hạn. Tính chung cả năm, giá trị tăng thêm của ngành này tăng ở mức 6,82%, chỉ cao hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 là 2020 và 2021 trong cả giai đoạn từ 2011 tới nay.

Trong bối cảnh đó, chỉ số Quản trị mua hàng – thể hiện góc nhìn của các nhà quản lý doanh nghiệp về tình hình kinh doanh những tháng tiếp theo – rơi xuống dưới ngưỡng “mở rộng” (ngưỡng 50 điểm) trong 9 trên 11 tháng của năm.

Trong ba tháng có số liệu gần nhất là tháng 9, 10 và 11, chỉ số này theo xu thế giảm tương ứng là 49,7; 49,6; và 47,3 điểm[2].

Các chỉ số thống kê liên quan đến doanh nghiệp ở các ngành nghề cũng cho thấy khoảng 30-40% các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh đang khó khăn và dự kiến tiếp tục khó khăn hơn trong thời gian tới. Theo đó, khoảng 30% số doanh nghiệp có đơn hàng nói chung và đơn hàng xuất khẩu giảm đi và sẽ cắt giảm khối lượng sản xuất trong quý I/2024.

Như vậy, nhìn từ phía tổng cung của nền kinh tế, năm 2023 vẫn có sự tăng trưởng nhưng ở mức độ yếu và khá thiếu chắc chắn khi chuyển tiếp sang năm 2024.

Nhìn từ phía tổng cung của nền kinh tế, năm 2023 vẫn có sự tăng trưởng nhưng ở mức độ yếu và khá thiếu chắc chắn khi chuyển tiếp sang năm 2024.

Thứ hai, góc nhìn tổng cầu đưa lại những nhận định tương tự. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so năm trước - một mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam được đánh giá là ảm đạm. Thế nhưng so với giai đoạn trước đó, không kể 2020-2021, mức tăng trưởng này còn khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, diễn biến xuất-nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023 có nhiều dấu hiệu đáng lo hơn đáng mừng.

Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh so cùng kỳ năm trước, nhưng giảm ít hơn so với nhập khẩu, nên xuất khẩu ròng tăng lên so cùng kỳ năm trước (xuất siêu), đóng góp đáng kể cho chỉ số tăng trưởng GDP.

Diễn biến trong năm của xuất-nhập khẩu hàng hóa tương ứng theo diễn biến chung của nền kinh tế khi thể hiện sự cải thiện theo thời gian.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 4,4% so với năm trước; còn kim ngạch nhập khẩu giảm 8,9%. Lý do chủ yếu vẫn là nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường đối tác không phục hồi được như kỳ vọng.

Đáng chú ý, mặc dù hoạt động xuất và nhập khẩu hàng hóa đều giảm, nhưng do nhập khẩu giảm mạnh hơn nên nền kinh tế vẫn xuất siêu ở mức 28 tỷ đô - mức cao kỷ lục trong lịch sử, cao gấp 2,3 lần mức năm 2022.

Đáng chú ý, mặc dù hoạt động xuất và nhập khẩu hàng hóa đều giảm, nhưng do nhập khẩu giảm mạnh hơn nên nền kinh tế vẫn xuất siêu (tính chung hàng hóa và dịch vụ) ở mức 28 tỷ đô - mức cao kỷ lục trong lịch sử, cao gấp 2,3 lần mức năm 2022. Mức xuất siêu này đóng góp khoảng 1,63 điểm trong 5,05 điểm phần trăm tăng trưởng GDP năm 2023.

Như vậy, khoảng 1/3 của tăng trưởng GDP năm 2023 đến từ việc sụt giảm hoạt động thương mại quốc tế - do đặc thù nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu chủ yếu là mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Do vậy, đây là một tín hiệu đáng quan ngại trước thềm 2024. 

Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư thực hiện tăng 6,2% so với năm 2022; trong đó vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 21,2%.

Trong các chỉ số vĩ mô phía tổng cầu, hoạt động đầu tư đưa đến nhiều kỳ vọng tích cực hơn cả. Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư thực hiện tăng 6,2% so với năm 2022; trong đó vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 21,2%.

Đây rõ ràng là sự nỗ lực lớn của Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là về những tháng cuối năm.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (FDI) ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 (và cao hơn hẳn mức 21,35 tỷ USD mà các tác giả đã dự báo hồi tháng 10/2023[3]).

kinh te 2023
Infogram

Triển vọng kinh tế 2024: Những thách thức

Bước sang thềm 2024, kinh tế Việt Nam đứng trước 5 thách thức đặc thù cần được giải quyết.

Thứ nhất, thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% sẽ được áp dụng từ 1/1/2024 ở hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm ở tất cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Theo nguyên tắc áp dụng, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các quốc gia đều đã nội luật hóa thuế này trên cơ sở thu ít nhất 15% thuế lợi nhuận toàn cầu đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh sản xuất trên địa bàn. Nếu doanh nghiệp, tập đoàn nộp không đủ 15% lợi nhuận tại một quốc gia, thì sẽ phải nộp bổ sung tại một quốc gia khác.

Thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% sẽ được áp dụng từ 1/1/2024 ở hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm ở tất cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% sẽ được áp dụng từ 1/1/2024 ở hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm ở tất cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Đánh giá tác động sơ bộ cho thấy thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt đối với việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, giữ chân các dự án hiện có và duy trì các doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư lớn. Lý do là thuế này sẽ vô hiệu hóa những ưu đãi về thuế hiện đang áp dụng tại Việt Nam.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Về lợi thế, Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung, ngăn dòng chảy thuế sang các quốc gia khác và bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước; có cơ hội thúc đẩy quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý, rà soát, bổ sung, cập nhật các chính sách ưu đãi hiện có để hoàn thiện hơn môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

(Hiện nay, Quốc hội đã thống nhất thông qua việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% tại Việt Nam bắt đầu từ 1/1/2024.)

Tác động và lợi thế nêu trên không phải là của riêng Việt Nam, mà là của tất cả các nước đang cạnh tranh cùng Việt Nam trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan v.v.. Cho đến nay, chưa một quốc gia nào công bố chính thức các thay đổi trong chính sách ưu đãi đầu tư để đối phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Việt Nam chắc chắn cần nghiên cứu để có những chính sách phù hợp vào thời điểm phù hợp để duy trì và nâng cao tính cạnh tranh trong việc thu hút FDI, không chỉ cho năm 2024 mà cho cả giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, song song với câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBMA) và các loại thuế môi trường liên quan được áp dụng ở châu Âu và nhiều nước đối tác thương mại khác của Việt Nam.

Theo đó, các mặt hàng ở các địa bàn này, bao gồm hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự đánh giá về cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất và chịu thêm thuế nếu không bảo đảm được yêu cầu đặt ra. Bốn mặt hàng chính của Việt Nam chịu tác động là sắt thép, nhôm, xi-măng và phân bón.

Cơ chế được chia thành nhiều giai đoạn, tiến tới việc bắt buộc mua chứng chỉ phát thải CBAM và mở rộng ngành hàng bắt đầu từ sau năm 2026.

Thời gian gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế để xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, xây dựng hệ thống đánh giá, kiểm đếm, chứng chỉ và đào tạo nguồn nhân lực để nhanh chóng thích nghi với tình hình mới.

Tuy nhiên, tốc độ thực hiện cần được đẩy nhanh hơn nữa nếu không muốn bị tụt hậu so với các đối tác và đối thủ cạnh tranh, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phát triển khác.

Thứ ba là vấn đề về nguồn cung năng lượng tại Việt Nam.

Tại phiên họp thứ 27 ngày 12/10/2023 vừa qua của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã nêu rõ việc 3/6 chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đang biến động theo chiều hướng bất lợi, đặc biệt là việc nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.

Tài nguyên năng lượng sơ cấp của Việt Nam ngày càng cạn kiệt khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết, sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn suy giảm nhanh.

Chiến tranh ở một số nước cung ứng năng lượng trong năm 2023 và các rủi ro đối đầu quân sự trên thế giới tiếp tục kéo dài cũng đặt áp lực lớn lên nguồn năng lượng nhập khẩu của Việt Nam.

Vào khoảng giữa năm 2023, câu chuyện thiếu điện cho sản xuất-kinh doanh và cả sinh hoạt đã là một tâm điểm nổi bật ở Việt Nam. Không chỉ người dân, doanh nghiệp Việt Nam đã có ý kiến, mà các doanh nghiệp FDI cũng nhiều lần kiến nghị chính thức tới các cấp có thẩm quyền. Đây là một trong những yếu tố lớn khiến việc sản xuất kinh doanh, cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam, đã thể hiện không tích cực trong hai quý đầu năm 2023. Liệu điều này có lập lại trong năm 2024?

Bên cạnh đó, tại COP 26 và COP28, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, quyết liệt về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ, cũng như tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Đây là một cam kết phù hợp với xu thế thời đại, xác định chiến lược phát triển dài hạn hợp lý của Việt Nam. Tuy nhiên, con đường cụ thể hóa những cam kết này còn chông gai với những thách thức lớn, bao gồm cả hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, công nghệ chưa bắt kịp yêu cầu và thói quen sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp còn chịu quán tính ì khá lớn.

Để giải quyết được hết những thách thức này trong năm 2024 là điều không dễ dàng; do vậy, Việt Nam cần có những chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ để vừa đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, vừa từng bước tiến tới chuyển đổi thành công sang nguồn năng lượng sạch, bền vững.

Việt Nam cần có những chiến lược, chính sách, kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ để vừa đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của nền kinh tế, vừa từng bước tiến tới chuyển đổi thành công sang nguồn năng lượng sạch, bền vững.

Thứ tư, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu nhiều biến động trong năm 2024 khi Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu giảm lãi suất cơ bản để kích cầu kinh tế nội địa. Giai đoạn 2022-2023, trong khi FED tăng lãi suất liên tục và duy trì ở mức cao để đối phó với lạm phát, sự linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam đã tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất ở Việt Nam ổn định và giảm khá nhanh.

Theo đó, nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng được duy trì ổn định và tiếp tục phát triển trong năm 2023, trong khi các chỉ số lạm phát luôn nằm trong tầm kiểm soát.

Bước sang năm 2024, khi FED giảm lãi suất, nhiều khả năng kéo mặt bằng lãi suất thế giới giảm theo, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, du lịch, đầu tư trên thế giới sẽ được kích thích tăng trưởng trở lại. Khi đó, diễn biến giá cả ở Việt Nam sẽ trở nên khó lường vì tiền trong hệ thống ngân hàng sẽ nhiều khả năng chảy vào nền kinh tế một cách ồ ạt, hoạt động sản xuất kinh doanh được mở rộng nhanh chóng và tiêu dùng, du lịch trở nên sôi động hơn.

Cuối cùng là câu chuyện về giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù năm 2023 ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc thực hiện vốn đầu tư công của Chính phủ và các cấp chính quyền, thế nhưng ở một góc độ khác, các luật định, quy định trong lĩnh vực này - vốn được coi là rào cản chính trong việc giải ngân nguồn ngân sách Nhà nước - vẫn chưa có những thay đổi căn bản.

Duy trì được mức tăng trưởng như năm 2023 trong năm 2024, đặc biệt là việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm như sây bay, cầu, đường v.v…, sẽ là thách thức tiếp tục hiện hữu.

Kết luận

Năm 2023 là một năm nỗ lực vượt khó của cả nền kinh tế, với thành tích đáng kể khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều ở mức tốt. Tuy nhiên, các thách thức đa chiều cũ và mới cho Việt Nam sẽ là bài toán phức tạp cần được giải quyết cho năm 2024 và giai đoạn sau. Theo các báo cáo kinh tế vĩ mô tính đến nay, các tổ chức trong nước và quốc tế vẫn thể hiện sự lạc quan cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, đánh giá khả năng tăng trưởng cao so với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Để hiện thực hóa được những sự lạc quan đó, bảo đảm đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và xã hội, có lẽ Chính phủ, các bộ, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương sẽ cần phải duy trì được tinh thần quyết tâm như những tháng cuối năm 2023 và bắt tay hành động ngay từ những ngày đầu của năm 2024.

Chính phủ, các bộ, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương sẽ cần phải duy trì được tinh thần quyết tâm như những tháng cuối năm 2023 và bắt tay hành động ngay từ những ngày đầu của năm 2024.

Hành lang pháp lý về chuyển đổi năng lượng, thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh, thực hiện đầu tư công,… cần có những chuyển biến rõ rệt.

Các chính sách điều hành về tài khóa, tiền tệ cần được tiếp tục phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt và chủ động.

Các tác nhân của thị trường tài chính, vốn, đất đai, lao động, khoa học-công nghệ cần được khuyến khích phát triển và chủ động hơn trong việc tham gia quản trị, xây dựng và phát triển các thị trường, bảo đảm nền kinh tế vận hành theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, năm 2024 là năm nhiều thách thức, nhưng cũng sẽ là năm nhiều cơ hội cho sự bứt phá và chuyển đổi căn bản của nền kinh tế Việt Nam theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, hội nhập và bền vững.

Năm 2024 là năm nhiều thách thức, nhưng cũng sẽ là năm nhiều cơ hội cho sự bứt phá và chuyển đổi căn bản của nền kinh tế Việt Nam theo hướng linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, hội nhập và bền vững.

Ngày xuất bản: 01/01/2024
Nội dung: TS. Nguyễn Xuân Hải - ThS. Lê Quỳnh Trang
Trình bày: Bảo Minh