Tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp

Bốn tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước. Để cải thiện tình trạng này, thành phố đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khơi thông thị trường cho các sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại “Hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa Hà Nội 2023”.
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại “Hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa Hà Nội 2023”.

Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) trong các năm gần đây đều tăng trưởng tốt, đạt khoảng 30%/năm. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, công ty gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quang Tạo, đại diện công ty cho biết: “Các sản phẩm của chúng tôi gồm: Cột thép điện lực, trụ đỡ thiết bị, trạm biến áp... cung cấp cho các dự án điện lực, nhưng các dự án này đang bị chậm triển khai do các chính sách về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, khiến cho doanh thu các sản phẩm công nghiệp liên quan đến ngành điện bị sụt giảm tới 70-80%”.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) những tháng đầu năm 2023 đang ở mức thấp so với cùng kỳ các năm gần đây. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành sản xuất máy móc, thiết bị giảm tới 34,6%; in, sao chụp bản ghi giảm 20,1%; dệt giảm 6,6%; sản xuất kim loại giảm 5,8%... Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trong bốn tháng đầu năm nay cũng đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước tình trạng này, thành phố đang chỉ đạo Sở Công thương và các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Một trong những giải pháp đó là tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm, kết nối cho doanh nghiệp được gặp gỡ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mới đây, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức “Hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc, thiết bị và tự động hóa Hà Nội 2023”. Các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... đã có 200 gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm là linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...

Giám đốc Công ty Surgefree (Hàn Quốc) Jeon Ju Sul cho biết: “Từ 10 năm trước, công ty chúng tôi đã kết hợp với điện tử Samsung để sản xuất các sản phẩm liên quan đến chống sét lan truyền tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về sản phẩm này ở Việt Nam và Hà Nội là rất lớn. Vì vậy, thông qua các cơ hội gặp gỡ tại hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc, thiết bị và tự động hóa, chúng tôi mong có thể hợp tác với các doanh nghiệp của Hà Nội, Việt Nam để mở rộng sản xuất”.

Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị điện-Sunhouse Đỗ Nguyễn Bình nhận định: “Năm nay và năm tới, dự báo nền kinh tế sẽ có nhiều khó khăn. Doanh nghiệp sẽ khó đạt được chỉ tiêu sản xuất đã đề ra. Vì vậy, chúng tôi càng cần tích cực tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng, mở ra những cơ hội kinh doanh mới”.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trong năm nay, ngành công thương sẽ tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm trong các lĩnh vực công nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận được các công nghệ tiên tiến trên thế giới, tìm kiếm đơn hàng và đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị, máy móc... Tuy chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình bốn tháng đầu năm 2023 đang ở mức thấp, nhưng chỉ số của tháng 4 đã cao hơn chỉ số trung bình của các tháng trong quý I, cho thấy các doanh nghiệp đang rất nỗ lực phục hồi.

Trong thời gian tới, Sở Công thương và các đơn vị liên quan sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, chương trình khuyến công, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng... Qua đó, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển công nghiệp từ 7 đến 7,5% trong năm 2023 mà thành phố đã đề ra.