Chiều 2/8, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024”.
Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút nhiều doanh nghiệp trong trong nước và quốc tế tham dự.
Tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết: Hiện nay, khu vực thương mại và dịch vụ là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố Đà Nẵng. Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thành phố có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc. Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Mục tiêu năm 2024 với GRDP tăng 8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%, thành phố đang và sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics; tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố; thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.
Chia sẻ tại Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024, bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), cho biết, Nhật Bản có nhu cầu cao về các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thực phẩm an toàn và hữu cơ.
Các sản phẩm nông nghiệp mà không thích hợp để trồng, canh tác tại Nhật Bản nhưng nhu cầu lớn và được nhận định sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới như cà-phê, hạt điều, trái cây nhiệt đới, rau củ quả đông lạnh... Đây đều là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
Các phiên thảo luận tại hội nghị. |
Ngoài ra, tại Nhật Bản có số lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc là khoảng 500 ngàn người, chiếm 16% người nước ngoài, đông thứ 2 và được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy, đây cũng là một lực lượng người tiêu dùng tiềm năng và đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tuy nhiên, bà Hà cũng chỉ ra khó khăn và hạn chế khi các công ty xuất khẩu của Việt Nam chưa được phân hóa chuyên nghiệp, chỉ có một số ít đơn vị quy mô lớn nhưng chưa đồng bộ và kiểm soát tốt được tất cả các khâu. Việc xuất khẩu nhiều khi còn chạy theo thành tích số lượng, mục tiêu doanh số, đặc biệt là vào vụ mùa cao điểm mà chưa đầu tư đúng mức vào khâu bảo quản sau thu hoạch hay chế biến sâu.
Trong khi đó, đặc trưng nhu cầu thị trường Nhật Bản quy định khắt khe, tiêu chuẩn cao, tập quán thương mại, xu hướng ưu tiên mục tiêu phát triển bền vững.
Để có thể vào được thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp cần thẳng thắn nhìn nhận vào những điểm hạn chế, phân tích cặn kẽ và tìm cách để khắc phục. Đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản như: các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm; yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã; mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà sản xuất.
Doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu các sản phẩm tại khu trưng bày, gian triển lãm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội nghị. (Ảnh: ANH ĐÀO) |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải nghiêm túc đúc rút các bài học kinh nghiệm từ những lô hàng thất bại, những phàn nàn từ khách hàng, đối tác. Thường xuyên cập nhật phản hồi từ khách hàng, phân tích điểm mạnh, điểm yếu so với sản phẩm tương tự của các nước cạnh tranh.
Cần lưu ý vấn đề an toàn thực phẩm
Trong khi đó, đối với thị trường Âu - Mỹ, ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, sở thích và thói quen tiêu dùng của người dân tương đối khác nhau giữa các thị trường. Tuy nhiên, người dân ngày càng chú trọng tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu an toàn, tiện lợi, tốt cho sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Người tiêu dùng tại khu vực coi trọng cuộc sống lành mạnh nên thường lựa chọn ăn uống các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, ít béo, ít đường, chứa nhiều vitamin, tăng đạm thực vật, giảm đạm động vật, giảm phụ gia nhân tạo.
Bên cạnh đó, sản phẩm tươi, sản phẩm có trị giá cao có xu hướng giảm, trong khi sản phẩm có mức giá trung bình và các sản phẩm sơ chế, đông lạnh, dễ chế biến tại nhà và đóng hộp có nhu cầu tăng do tính tiện dụng và người dân cắt giảm chi tiêu hậu Covid-19.
An toàn thực phẩm và chứng nhận cũng đã trở thành khía cạnh hàng đầu trong thương mại sản phẩm tại khu vực, đặc biệt là tại EU, Hoa Kỳ, xuyên suốt chuỗi cung ứng. Thí dụ điển hình là tiêu chuẩn “từ trang trại đến bàn ăn”.
Tại hội nghị này, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng phối hợp các cơ quan, đơn vị xúc tiến kết nối, hỗ trợ cho 9 cặp doanh nghiệp trao đổi, làm việc, ký kết hợp đồng nguyên tắc để cung ứng sản phẩm, dịch vụ và tiến hành ký kết trực tiếp tại Hội nghị. (Ảnh: ANH ĐÀO) |
Các doanh nghiệp trong giao dịch mua bán hàng hóa khi gần đây, tại một số nước như Hoa Kỳ, Bắc Âu, Italia, Pháp, Hà Lan, Nga… xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty nhập khẩu uy tín để lừa đảo các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý, thận trọng và tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Để tạo ra bước chuyển biến mới, phát huy tối đa vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của mình, thành phố Đà Nẵng cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.