Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư

Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Qua đó, trung tâm giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới tiềm năng.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư thành phố.
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại Showroom Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư thành phố.

Ðể thu hút các dự án phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng xanh, ITPC ưu tiên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại các nước là đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, EU, Ấn Ðộ… với trọng tâm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của thành phố.

Nâng chất lượng xúc tiến thương mại, đầu tư

Trong năm 2023, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư do ITPC tổ chức không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng được nâng cao, với gần 210 hoạt động trong và ngoài nước, tăng 63% so với năm 2022. Ngoài ra, đơn vị này cũng đón tiếp và làm việc với 236 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, trao đổi về các hoạt động về xúc tiến thương mại và đầu tư, tăng 127% so với năm 2022. Cụ thể, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023, ITPC đã hỗ trợ hơn 2.200 doanh nghiệp với gần 1.160 gian hàng, thu hút tổng cộng 722 nghìn khách tham quan.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC cho biết: Trung tâm đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, tập trung hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm sản xuất, kinh doanh ổn định và lâu dài, đóng góp vào sự tăng trưởng tích cực của thành phố.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Trung tâm cũng chú trọng tổ chức các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường và hoạt động kết nối giao thương với các nhà phân phối, nhà nhập khẩu ở nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế...

Cũng theo ông Trần Phú Lữ, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, Trung tâm giới thiệu Nghị quyết 98 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, với kỳ vọng các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế-xã hội của thành phố, đồng thời tạo động lực mới trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án mà thành phố ưu tiên mời gọi như các ngành phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; kinh tế số, ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0; công nghệ vi điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin.

Các dự án liên quan đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối; hoạt động dịch vụ có giá trị gia tăng và chất lượng cao… cũng được thành phố ưu tiên mời gọi.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Năm 2024, ITPC tập trung thực hiện đổi mới phương thức và đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; trong đó, chú trọng thực hiện kết nối giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài (nhà phân phối, nhà nhập khẩu), giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

Song song đó, Trung tâm kết nối các nhà đầu tư lớn, tập đoàn dẫn đầu trong các ngành, lĩnh vực để thực hiện giới thiệu, kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm mà thành phố ưu tiên thu hút, đồng thời đẩy mạnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư qua nền tảng số, trên môi trường trực tuyến, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để truyền thông, quảng bá giới thiệu cơ hội đầu tư kinh doanh, giới thiệu sản phẩm… tăng cơ hội hợp tác đầu tư, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin thị trường theo hướng chuyên sâu vào từng nhóm ngành hàng, sản phẩm gắn với từng thị trường cụ thể.

Ngoài ra, ITPC thực hiện các hoạt động mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thông qua hoạt động này, giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường, cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới, theo đó củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa xuất khẩu của thành phố tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Ðông Nam Á, Ðông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). Cùng với đó là việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo bước đột phá thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng như Australia, Canada, Ấn Ðộ, khu vực Trung Ðông, Mỹ Latin, châu Phi…

Ðồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ITPC cần quan tâm hơn nữa đến các kiến nghị của các hiệp hội, ngành nghề để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trung tâm phải đưa định hướng để cộng đồng doanh nghiệp thành phố có được định hướng, hướng đi trong xúc tiến thương mại và đầu tư phù hợp với nền kinh tế thành phố. Cùng với đó, trung tâm tiếp tục quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư góp phần vào chuyển dịch kinh tế của thành phố theo hướng xanh, bền vững.