Tiêu chuẩn và chứng nhận: Chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường Halal

NDO - Ngày 20/12, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tiêu chuẩn và Chứng nhận: Chìa khóa để tham gia thị trường Halal”, nhằm cung cấp thông tin cần thiết về thị trường Halal, qua đó thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu một cách bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) và Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) và Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông.

Tham dự hội thảo có Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (IAMES) Lê Phước Minh; Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp Trần Quốc Dũng; Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán các nước Morocco, Angola, Saudi Arabia, Quatar, Iran, Libya,… và các tổ chức, doanh nghiệp liên quan.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal, đặc biệt Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal như chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal chưa nhiều,...

Hội thảo là dịp các quốc gia, các tổ chức chia sẻ về cách thức để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal quốc tế, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu các thông tin có giá trị "chìa khóa" nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp Halal của Việt Nam.

Tiêu chuẩn và chứng nhận: Chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường Halal ảnh 1

Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào thị trường Halal là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước quan tâm, giao phó.

Ông mong muốn, tham gia hội thảo lần này, đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế cung cấp thông tin liên quan cần thiết, để hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường Halal các nước.

“Như tên hội thảo hôm nay, chúng tôi sẽ cung cấp các ‘chìa khóa’. Tôi mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị liên quan sử dụng các ‘chìa khóa’ đó trên cơ sở khoa học, thực tiễn để Việt Nam thực sự hội nhập được vào ngành công nghiệp Halal trên thế giới, đồng thời các nước cũng có thể dựa vào các ‘chìa khóa’ đó để tin tưởng đầu tư, phát triển thị trường Halal tại Việt Nam”, Tiến sĩ Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai cho biết, hội thảo này chính là sự khởi đầu tuyệt vời cho các doanh nghiệp có hiểu biết về Halal quyết định đầu tư vào thị trường Halal.

Ông cũng khẳng định, Halal gắn liền với tôn giáo và thực hành tôn giáo nên khá khó để các doanh nghiệp Việt Nam - một đất nước không theo đạo Hồi tiếp cận thị trường Halal. Tuy nhiên, Australia là thí dụ về một quốc gia không theo đạo Hồi, nhưng đã phát triển hiệu quả ngành công nghiệp Halal; mong muốn Việt Nam an tâm, tự tin phát triển ngành công nghiệp này.

Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp Trần Quốc Dũng cho biết: Hội thảo khẳng định sự quan tâm thực chất và nghiêm túc của Chính phủ Việt Nam tới sự phát triển ngành Halal phù hợp với yêu cầu các nước Hồi giáo. Ông mong muốn hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả hơn giữa các bên để phục vụ cho cộng đồng Hồi giáo Việt Nam và thế giới cũng như cho nền ngành công nghiệp Halal của Việt Nam.

Tại hội thảo, các diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đã chia sẻ, trao đổi các vấn đề liên quan về “Kinh tế - Văn hóa Halal và tiềm năng/cơ hội của Việt Nam”, “Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về Halal và định hướng xây dựng tiêu chuẩn ngành Halal Việt Nam”, “Hoạt động Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Halal phục vụ thúc đẩy sự tham gia của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu”, “JAKIM và hệ thống chứng nhận Halal toàn cầu”,…

Hội thảo cũng trao đổi, đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bền vững.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) và Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông với mục tiêu phát triển kiến thức, xây dựng tiêu chuẩn, dịch vụ chứng nhận, hợp tác quốc tế về Halal cho các tổ chức, doanh nghiệp, sinh viên và các cơ quan chính phủ khác nhau, qua đó nâng cao sự hiểu biết và thực hành Halal dựa trên cơ sở năng lực và kiến thức của mỗi bên.