Tiềm năng từ thị trường thực phẩm Halal

Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng trong tương lai. Với định hướng khai thác tiềm năng này, Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành triển khai các hoạt động nhằm phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất-tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Halal.
Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Halal.

Thực phẩm Halal được hiểu là những sản phẩm được cho phép, hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo. Các sản phẩm này phải đạt được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.

Dư địa lớn từ thị trường Halal

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tuấn cho biết: Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo hiện phục vụ khoảng hai tỷ người trên thế giới.

Vào năm 2022, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đã đạt tới con số bảy nghìn tỷ USD; con số này dự kiến tăng lên mức khoảng mười nghìn tỷ USD trước năm 2028. Trong thị trường tiềm năng đó, khu vực Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương có dân số khoảng 860 triệu người được xem là một thị trường xuất khẩu tiềm năng; trong đó, Đông Nam Á đạt mức 230 tỷ USD về nhu cầu tiêu thụ thực phẩm Halal lớn.

Bà Wong Chia Chiann, Tổng Lãnh sự Malaysia tại thành phố cho biết: Ngành công nghiệp Halal đang là một trong những xu hướng trên thị trường thế giới. Hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tìm hiểu về thị trường Halal nhưng mức độ tường tận chưa nhiều. Đối với thực phẩm, tiêu chuẩn Halal yêu cầu: Quá trình chuẩn bị thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.

Nắm bắt cơ hội, thị trường rộng lớn này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tìm hiểu, tiếp cận để đầu tư. Đơn cử, cửa hàng rộng khoảng 240 m2 của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đặt tại Quận 1. Đây là cửa hàng phục vụ hơn 300 sản phẩm đạt chuẩn Halal gồm các mặt hàng thực phẩm có chứng nhận Halal trong và ngoài nước như trái cây, thực phẩm chế biến; các loại thức ăn nhanh…

Cửa hàng còn phục vụ hàng tiêu dùng, thời trang, quà lưu niệm dành cho khách du lịch hoạt động từ 6 giờ sáng đến 22 giờ hằng ngày. Đại diện Ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết: Để hoạt động hiệu quả ở thị trường này, doanh nghiệp phải chuẩn bị rất kỹ khi tuyển chọn nhà cung cấp đáp ứng đủ tiêu chuẩn và đạt chứng nhận Halal.

Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal kỳ vọng trở thành một điểm đến mua sắm, thưởng thức ẩm thực của du khách và cộng đồng Hồi giáo sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như khách quốc tế muốn tìm hiểu văn hóa đạo Hồi. Đây là cửa hàng đầu tiên tại thành phố được Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố cấp chứng nhận Halal. Còn ông Trịnh Trung Tính, Quản lý hoạt động xuất khẩu Công ty Econuti Food cho biết:

Dư địa tiềm năng nhất đối với thị trường Halal là thực phẩm và đồ uống. Đối với thị trường Halal có những rào cản lớn về văn hóa đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng. Doanh nghiệp cần có những chuẩn bị chuẩn chỉnh về cơ sở hạ tầng; nhân sự; nghiên cứu thị trường tốt để đạt được chứng nhận Halal. Ngoài ra, yếu tố giá cả phải cạnh tranh; sản lượng phù hợp; đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp thì việc tiếp cận thị trường này mới có thể nhanh và chủ động hơn.

Cần những sự hỗ trợ hiệu quả hơn

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố cho biết: Mặc dù, thị trường Halal rộng lớn, hứa hẹn tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực phẩm tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng thực tế xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp vào thị trường này mới chỉ là bước đầu khai phá. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu.

Năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Bình quân, mỗi năm Việt Nam có 50 doanh nghiệp-một con số khá thấp so với tiềm năng được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn chay.

Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Halal hiện nay không hề dễ dàng, do nước ta chưa có cơ quan nhà nước hướng dẫn và cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal, thay vào đó, một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và phát sinh chi phí; từ đó làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần, và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

Với những tiềm năng được các doanh nghiệp, đối tác chỉ rõ, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, kích thích các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường này. Thành phố luôn có chính sách phát triển công nghiệp Halal, nhất là lĩnh vực lương thực thực phẩm-một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành phụ trợ hậu cần như logistics kho bãi, vận tải….

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Thành phố luôn ưu tiên chính sách phát triển công nghiệp Halal, nhất là lương thực thực phẩm; đồng thời, triển khai đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Để tiếp tục triển khai cũng như phát triển công nghiệp Halal của thành phố, ông Võ Văn Hoan đề nghị Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố tiếp tục phối hợp Sở Công thương, lãnh sự quán các nước triển khai các chương trình hội thảo, diễn đàn.

Cùng với đó, nghiên cứu và tìm hiểu các khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải cũng như khả năng và năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu Halal vào các quốc gia Hồi giáo trên thế giới.

Từ đó tham mưu đề xuất thành phố các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu Halal, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng hiệu quả chính sách thuế nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)…