Tìm hướng mở hợp tác mới vươn ra thị trường sản phẩm Halal tại Iran

NDO - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại Thủ đô Tehran, lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Việt Nam và Tổ chức Tiêu chuẩn quốc gia Iran (INSO) đã thống nhất ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và công nhận, đo lường và Halal.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ông Mohammad Hassan Sheikholeslami, Thứ trưởng Ngoại giao Iran chứng kiến lễ ký kết hợp tác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ông Mohammad Hassan Sheikholeslami, Thứ trưởng Ngoại giao Iran chứng kiến lễ ký kết hợp tác.

Thời gian tới, hợp tác kỹ thuật này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại cũng như quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác mới

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ông Mohammad Hassan Sheikholeslami, Thứ trưởng Ngoại giao Iran.

Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và ông Hassan Khanezar, hàm Thứ trưởng, Chủ tịch Trung tâm Đo lường quốc gia Iran đại diện cho hai cơ quan ký kết biên bản ghi nhớ.

Tìm hướng mở hợp tác mới vươn ra thị trường sản phẩm Halal tại Iran ảnh 1

Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng và ông Hassan Khanezar, Chủ tịch Trung tâm Đo lường quốc gia Iran ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan.

MoU song phương được ký kết là cơ sở quan trọng để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực trong thời gian tới, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp về Halal, tiến tới ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp về sản phẩm Halal.

Thế giới Hồi giáo hiện có hơn 2 tỷ người sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Ông Hà Minh Hiệp-Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Các sản phẩm Halal bao gồm hầu như tất cả sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như: thực phẩm, đồ uống, thực phẩm hữu cơ, dược phẩm, mỹ phẩm đến lĩnh vực dịch vụ như: ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn.

Tìm hướng mở hợp tác mới vươn ra thị trường sản phẩm Halal tại Iran ảnh 2

Các dòng sản phẩm chủ yếu Halal.

Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân tháp tùng Đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách cho biết: Đây là đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng

Theo đánh giá của ông Hà Minh Hiệp, đề án tạo hướng đi mới trong triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2028 và tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của nước ta, trong bối cảnh các thị trường truyền thống gặp không ít khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế, hàng rào kỹ thuật tăng lên…

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Hà Minh Hiệp cho rằng: Cùng với định hướng của Chính phủ, thời gian gần đây thị trường xuất khẩu sản phẩm Halal ở Việt Nam có những bước khởi sắc, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp.

Các sản phẩm Halal của Việt Nam khá đa dạng bao gồm thịt, gia cầm, hải sản, hạt, các sản phẩm chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam vào thị trường các nước Hồi giáo.

Trong các quốc gia có tiềm năng nhập khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam, Cộng hòa Hồi giáo Iran, một trong những quốc gia lớn tại khu vực Trung Đông, đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực sản phẩm Halal. Với dân số hơn 83 triệu người và gần 99% dân số theo Hồi giáo, thị trường Halal ở Iran đang ngày càng mở rộng và trở nên hứa hẹn với các nhà kinh doanh và nhà sản xuất.

Các quy định Halal chặt chẽ đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống hằng ngày của người dân Iran, từ thực phẩm đến mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang, dịch vụ khách sạn, nhà hàng…

Điều này tạo điều kiện thuận lợi để thị trường Halal phát triển mạnh mẽ và hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh quốc tế.

Các sản phẩm Halal chính tại thị trường Iran bao gồm các loại thực phẩm như thịt gia súc (trừ thịt lợn), sản phẩm gia cầm, cá, các loại hạt và thực phẩm chế biến. Ngoài ra, các sản phẩm mỹ phẩm và dược phẩm Halal cũng đang thu hút sự quan tâm của người dân Iran.

Các sản phẩm Halal không chỉ bảo đảm tính chất an toàn và tuân thủ quy định Halal, mà còn chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường Halal đang phát triển, Iran nhập khẩu sản phẩm Halal từ nhiều quốc gia trên thế giới như Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Oman, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh…

Sự đa dạng và xu hướng nhập khẩu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau đã đóng góp vào sự phong phú của thị trường Halal ở Iran. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường Iran cần đáp ứng một số rào cản và yêu cầu của cơ quan chức năng nước sở tại.

Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Với tiềm năng phát triển lớn và xu hướng ngày càng tăng của người sử dụng sản phẩm Halal, thị trường Halal tại Iran đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp quốc tế, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

“Tuy nhiên, để vượt qua các rào cản và thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của nước bản địa. Sự hiểu biết và tôn trọng văn hóa Hồi giáo bản địa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ kinh doanh bền vững”- ông Hà Minh Hiệp nêu rõ.

Thúc đẩy cơ hội hợp tác song phương

Hiện nay, Chính phủ Iran đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm Halal vào nước này.

Các chương trình khuyến khích đầu tư, giảm thuế nhập khẩu, cải thiện hạ tầng và thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế đang giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường Iran.

Tiêu chuẩn và chất lượng là công cụ quan trọng và đắc lực nhằm đưa sản phẩm Halal của Việt Nam ra thị trường thế giới, trong đó có Iran.

“Hiện nay, Việt Nam đang dần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn Halal các nước Hồi giáo là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam”- Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp cho biết thêm: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đang khẩn trương nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan để xây dựng đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động chứng nhận Halal tại Việt Nam.

Tìm hướng mở hợp tác mới vươn ra thị trường sản phẩm Halal tại Iran ảnh 3

Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có cuộc làm việc với các đối tác, cơ quan hữu quan Iran trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, hình thành cơ quan chứng nhận quốc gia về Halal là những biện pháp kỹ thuật quan trọng nhằm đưa sản phẩm Halal của Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Halal toàn cầu nói chung và thị trường Halal Iran nói riêng, góp phần tăng giá trị của chuỗi nông sản Việt Nam.

Được biết, Chính phủ Iran đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal vào nước này.

Các chương trình khuyến khích đầu tư, giảm thuế nhập khẩu, cải thiện hạ tầng và thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế đang giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường Iran.

Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 5 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan, gồm: TCVN 12944:2020 Thực phẩm halal - Yêu cầu chung, TCVN 13708:2023 Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất halal, TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi halal, TCVN 13710:2023 Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật và TCVN 13888:2023 Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận Halal; hiện đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam mới cho các sản phẩm Halal có tiềm năng khác như: mỹ phẩm, dược phẩm, đồ dệt may, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng…