Phát biểu tại sơ kết, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, 2 năm triển khai Chương trình phối hợp cũng là giai đoạn đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là sức khỏe của người dân.
Cũng chính ranh giới sinh tử của đại dịch đã giúp cho mỗi chúng ta nhận thấy những giá trị cốt lõi nhất của sự sống còn, của văn hóa, tình người và vấn đề sức khỏe, sức đề kháng của mỗi cá nhân và cộng đồng…
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. |
Qua đó, các cấp Hội Phụ nữ càng nhận thấy vai trò, trách nhiệm quan trọng cùng với các cấp, các ngành, các tổ chức hội trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể) tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.
Trong 2 năm qua, thực hiện Chương trình phối hợp, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ động, trách nhiệm, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện theo hướng linh hoạt, phù hợp thực tiễn và đạt kết quả quan trọng.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết. |
Hiện, đã có 51/63 tỉnh, thành phố ký kết chương trình, chủ động phối hợp Hội Nông dân, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức phong phú, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng.
Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ cũng đã tham gia hiệu quả, tích cực, thiết thực hưởng ứng chiến dịch “Nâng niu giá trị nông sản Việt - kết nối nông sản - san sẻ yêu thương” trong mùa dịch bệnh.
Chương trình phối hợp đã góp phần bổ sung thông tin, kiến thức về an toàn thực phẩm và kỹ năng tuyên truyền, vận động, giám sát cho cán bộ Hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ và người dân về an toàn thực phẩm, có chuyển biến về thói quen sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm…
Đồng thời, kết quả chương trình phối hợp đã có tác động tích cực đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp, Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và nhiệm vụ công tác Hội…
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cũng mong muốn các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về bảo đảm an toàn thực phẩm, thảo luận về những giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp.
Các cấp Hội Phụ nữ cần tiếp tục nêu cao vai trò của mình trong thực hiện Chương trình phối hợp bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. |
Đặc biệt các cấp Hội Phụ nữ cần khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện chương trình; tập trung thực hiện tốt 3 nhóm chỉ tiêu và 6 nội dung đề ra của Chương trình; tuyên truyền, vận động tất cả các cán bộ, hội viên, phụ nữ đều nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, có ý thức trách nhiệm tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động về an toàn thực phẩm của các cấp Hội phải theo kịp được những thay đổi của thực tiễn, đến được với đông đảo phụ nữ đang tham gia sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đặc biệt là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tiểu thương tại các chợ truyền thống.
Để qua đó, Hội Phụ nữ thật sự đóng góp, chung tay cùng Chính phủ, các ngành, các cấp và toàn xã hội làm tốt công tác an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển bền vững đúng như mục tiêu Chương trình số 01 đã đề ra.
Tại buổi sơ kết, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố đã chia sẻ nhiều sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt trong công tác tuyên truyền, phối hợp, hỗ trợ mô hình và giám sát an toàn thực phẩm; nêu rõ những khó khăn, bất cập và thách thức trong quá trình triển khai Chương trình phối hợp; đồng thời đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả nội dung, đạt chỉ tiêu đã đề ra…