Tiếp tục huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 11/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”, với sự tham dự của các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhận định, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành Tài nguyên và Môi trường.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, cấp ủy và chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội và người dân đã tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, trụ cột về ứng phó với biến đổi khí hậu đã nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, trong những năm qua, từ trung ương đến địa phương đều đã tăng cường đầu tư triển khai thực hiện các công trình, dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, ở cấp địa phương, việc triển khai nhiều mô hình thích ứng thông minh đã giúp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; các cấp đã chủ động quan tâm sâu sát công tác phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng.

Trong bối cảnh mới cùng với những diễn biến nhanh chóng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ những cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định 2 lần (năm 2016 và 2020) và ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, cùng với nhiều chiến lược, kế hoạch hành động khác. Mới đây, Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết thêm.

Báo cáo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thịnh vượng theo hướng tôn trọng quy luật tự nhiên; Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt và triển khai thực hiện.

Tiếp tục huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Đáng chú ý, đến nay, hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương, nhất là các thành phố, đô thị lớn ven biển đều chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn.

Ngoài ra, nhiều nội dung quan trọng tại Nghị quyết cũng đã được tích cực triển khai mang lại hiệu quả thiết thực như: thí điểm trên toàn quốc nhiều mô hình sinh kế cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào hầu hết các chiến lược, quy hoạch quốc gia, ngành; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã có đóng góp lớn trong nâng cao năng lực thích ứng biển đổi khí hậu, cải thiện cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, xác định cơ sở khoa học cho các hoạt động ứng phó biển đổi khí hậu trên quy mô cả nước.

Đồng thời, các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế như Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã huy động 1,5 tỷ USD triển khai trên toàn quốc, trở thành một hình mẫu về đối thoại chính sách ứng phó biến đổi khí hậu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đề nghị Việt Nam cần huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu hơn nữa trong thời gian tới; đẩy mạnh hợp tác công-tư và huy động các nguồn lực trong xã hội; khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 2

Đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với các thiên tai; nâng cao khả năng phòng chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như vùng đồng bằng sông cửu long Cửu Long, khu vực ven biển miền trung, miền núi phía bắc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác dự báo khí hậu, cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan.