Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã

NDO - Chiều 7/4, tại Hà Nội, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ trì phiên họp Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: Quang Thương/VGP)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: Quang Thương/VGP)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, năm 2022 là năm dấu mốc quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW triển khai định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được ban hành; là nền tảng quan trọng trong thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn tới.

Đáng chú ý, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khôi phục trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Về số lượng, ước năm 2022, cả nước có 29.378 hợp tác xã; 125 liên hiệp hợp tác xã và 71 nghìn tổ hợp tác. So với năm 2021, số hợp tác xã tăng 7% (2036); liên hiệp hợp tác xã tăng khoảng 17% (18). Tổng số thành viên hợp tác xã là 5.935 nghìn thành viên, tăng 243 nghìn thành viên (khoảng 4%); số hợp tác xã là thành viên của Liên hiệp hợp tác xã là 851, tăng 183 hợp tác xã (khoảng 27%) so với năm 2021,…

Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã đều tăng so với năm trước.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành Trung ương, cơ quan, tổ chức cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là các cơ chế hỗ trợ về tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực; kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo; phát triển các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý; tạo điều kiện để các hợp tác xã thành lập doanh nghiệp nhằm tối đa hóa lợi nhuận; nghiên cứu bài bản nhằm hoàn thiện lý luận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;… để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục có những bước phát triển mới trong thời gian tới.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, kinh tế tập thể hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển. Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kết quả phát triển kinh tế tập thể năm 2022.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; triển khai thực hiện nhiệm vụ sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 bảo đảm chất lượng và theo đúng kế hoạch đề ra…

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2023, khối lượng công việc của Ban Chỉ đạo là rất lớn, cùng với những mặt còn tồn tại, hạn chế nêu trên, để hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ các công việc, các thành viên Ban chỉ đạo và các bộ ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 2/2/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW; chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương và đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn Luật, để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã mới.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Quang Thương/VGP)

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục “dành thời gian, tâm huyết, cầu thị tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, cố gắng hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với chất lượng cao nhất, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, để bảo đảm khi luật được thông qua sẽ đi vào cuộc sống”.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các Luật về thuế để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung; trong đó cần có chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đặc thù, phù hợp với bản chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Ngân hàng Nhà nước rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trong việc mở rộng địa bàn hoạt động, kết nạp thành viên mới;… sửa đổi các quy định có liên quan, gây vướng mắc, chồng chéo với Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cho vay nội bộ trong quá trình sửa đổi Luật Hợp tác xã. Văn phòng Chính phủ khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.

Thứ ba, kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện và thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, các hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp để nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là việc tuyên truyền và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Thứ năm, xây dựng, phát hiện mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động của hiệu quả từ thực tiễn theo lĩnh vực phụ trách để tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và tăng cường truyền thông, quảng bá các mô hình có tính mới, hoạt động hiệu quả, có sự lan tỏa rộng… Tăng cường điều tra, khảo sát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã để kịp thời tham mưu các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, ưu tiên bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới địa phương.

Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhân kỷ niệm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4) sắp tới, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước đã đóng góp tích cực vào phát triển phong trào kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.