Tiếp sức học sinh nghèo vùng biên

NDO -

Tạm yên tâm với “kho lương” đủ cho 63 trò nghèo từ nay đến khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, song những ngày này các thầy, cô giáo Trường THPT Thanh Nưa (tỉnh Điện Biên) lại tất bật với núi việc. 

Cô giáo và các em học sinh Trường THPT Thanh Nưa nhận hàng hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
Cô giáo và các em học sinh Trường THPT Thanh Nưa nhận hàng hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.

Lo nhất là bữa ăn giấc ngủ mỗi ngày để các em đủ sức khỏe, không vì tâm lý thi mà ốm; lo nữa là tìm đơn vị hợp đồng thuê xe đưa, đón các em trong những ngày thi sao cho an toàn, đúng hẹn với điều kiện “giá cả thật mềm”, vì trường nghèo nên chi tiêu gì phải hết sức căn cơ…

Sau vài lần hẹn không thành, cuối cùng thì sáng 2/7, cô Lê Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Nưa, cũng dành cho chúng tôi ít thời gian quý giá trong chuỗi ngày cao điểm mà cô và tập thể giáo viên nhà trường đã xác định “dành tất cả cho các con thân yêu”. Trong căn phòng nhỏ nhắn, gọn gàng, cô Lê Thị Kiều Oanh bắt đầu câu chuyện với nỗi lòng ngổn ngang.

Trường THPT Thanh Nưa có 161 thí sinh đăng ký tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó, có 89% thí sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn. Song khó khăn hơn cả và khó khăn đặc biệt ấy là 63 học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số, ở các xã: Mường Phăng, Pá Khoang, Mường Pồn và bản Nậm Ty (thuộc xã Thanh Nưa), bởi khi thường những học sinh này đã thiếu thốn nhiều thứ vậy mà càng gần kỳ thi càng thiếu thốn hơn. Giọng nhẹ nhàng, cô Kiều Oanh, lý giải: Vì nhà xa trường, lại thuộc con em đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo nên khi theo học tại trường 63 học sinh này được hưởng chế độ hỗ trợ học sinh bán trú quy định tại Nghị định 116/NĐ-CP.

Song vì Nghị định 116 chỉ hỗ trợ học sinh bán trú chín tháng học mỗi năm, cho nên hơn một tháng trở lại đây 63 học sinh bán trú khối 12 hết mọi chế độ hỗ trợ. Gạo không, tiền ăn không; rất nhiều em trong số 63 học sinh ấy không nơi bấu víu, trông đợi. Nhiều em là lao động chính của gia đình, bố mẹ ông bà chỉ đợi các em về để có thêm người đi làm nương, chứ họ đâu biết kỳ thi THPT quốc gia mà các em hằng đợi mong bao ngày. Thương trò nghèo bao năm vượt khó theo đèn sách, suốt mấy tháng qua các thầy cô giáo trong Ban Giám hiệu và tập thể giáo viên toàn trường đã gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị với những mong có thêm sách bút, thêm gạo, thêm khoai để trò nghèo ấm lòng khi ôn luyện.

Tiếp sức học sinh nghèo vùng biên -0
Mỗi ngày, các em đều được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. 

Cảm động tấm lòng các thầy cô, cảm thương học sinh nghèo, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị: Trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Bắc; cán bộ, công chức xã Thanh Nưa, Thanh Luông, Đồn biên phòng Thanh Luông và các nhà hảo tâm xa gần đã ủng hộ hàng và tiền; cô bác quanh trường cũng hàng ngày cho thêm mớ rau, con cá giúp các em thêm chất “tươi”, thêm sức chuyên tâm việc học hành. “Thật cảm động và thật mừng có sự chung tay từ các cô, chú, anh chị; với số tiền và hàng gần 30 triệu đồng thì đã đủ cho các con đến khi hoàn thành kỳ thi” - cô Kiều Oanh đã vô cùng xúc động.

Tạm yên tâm với “kho lương thực” được hỗ trợ, mấy ngày nay cô Kiều Oanh và các thầy, cô lại bận mải tìm thuê xe hợp đồng. Cô Oanh, cho biết: Theo phân bố điểm thi, học sinh Trường THPT Thanh Nưa sẽ thi tại Trường THPT TP Điện Biên Phủ. Từ trường Thanh Nưa đến điểm thi gần chục cây số nên Trường phải hợp đồng thuê xe để đưa đón 63 học sinh bán trú, đảm bảo các em đến điểm thi đúng giờ mà không gặp bất kỳ sự cố nào. Kinh phí thuê xe do các thầy cô vận động; đưa đón học sinh cũng do các thầy cô, vậy nên chỉ khi các em hoàn thành kỳ thi thì các thầy, cô mới thở phào nhẹ nhõm. 

Trò chuyện với chúng tôi về “kỷ niệm” khó quên trong mùa thi trước, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường THPT Thanh Nưa cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp năm 2017, có lịch thi mô Lịch sử buổi sáng vậy em Lò Văn Quyết lại nhớ nhầm lịch thi sáng thành chiều. Đúng 6 giờ 40 phút, tôi điểm danh thấy thiếu Quyết; gọi điện cho Quyết không được tôi đã muốn khóc may thay gọi mẹ Quyết thì được nên Quyết kịp đến phòng thi trước giờ đóng cổng thi chỉ 5 phút. Quyết vào phòng thi, tôi và mẹ Quyết ôm nhau đứng khóc vì mừng. Rút kinh nghiệm từ Quyết, sau kì thi đó tôi đã tham mưu Ban Giám hiệu hợp đồng xe đưa đón học sinh bán trú đến điểm thi, như thế vừa đảm bảo an toàn trên đường đi và cũng đảm bảo không em nào muộn giờ vì sự cố ngoài ý muốn.

“Tuy các thầy, cô giáo vất vả hơn, nhưng đổi lại các thầy, cô lại yên tâm hơn. Do vậy, 100% giáo viên toàn trường đều dồn tâm sức giúp các em yên tâm ôn luyện, ăn và ở”, cô Kiều Oanh cho biết thêm.

Ngoài những việc kể trên, Ban Giám hiệu Trường THPT Thanh Nưa còn thành lập “Tổ trực thi” dựa trên sự tự nguyện của mỗi thầy, cô giáo. Theo đó, trong những ngày diễn ra kỳ thi, “Tổ trực thi” sẽ phân công thành viên túc trực tại điểm thi từ 6 giờ sáng và 13 giờ các ngày. Thầy, cô giáo trực ở điểm thi có nhiệm vụ điểm danh học sinh, phát các đồ dùng cần thiết: Nước uống, khẩu trang, hướng dẫn khử khuẩn, đo thân nhiệt cho các em trước khi vào điểm thi. Còn ở trường, thành viên “Tổ trực thi” là giáo viên và nhân viên nhà bếp có nhiệm vụ chế biến, bảo đảm khẩu phần ăn cho thí sinh đủ ba bữa mỗi ngày. Trong suốt những ngày thi, 100% học sinh bán trú ăn sáng tại căng tin Trường, sau đó các em được di chuyển đến điểm thi bằng ô-tô. Hết buổi thi, các em lại được các thầy, cô thành viên “Tổ trực thi” đón về ăn uống tập trung tại bếp ăn tập thể của trường. Nguồn thực phẩm chính là tiền tài trợ của các nhà hảo tâm.

Thời gian từ nay đến khi kết thúc kỳ thi tính bằng ngày, nhưng công việc ôn luyện, chăm lo cho các em tính bằng “núi”, song với kế hoạch chi tiết và tình yêu thương các con vô bờ bến mà mỗi thầy, cô giáo đã dành cho các em, tôi tin cô và trò Trường THPT Thanh Nưa sẽ có thêm một mùa thi trọn vẹn…