Xã Đức Minh có gần 4.000 hộ dân, trong đó có hơn 1.500 hộ được vay vốn ưu đãi từ phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk Mil, với tổng dư nợ 60 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn vay, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả được người dân triển khai. Năm 2023, số hộ nghèo toàn xã Đức Minh giảm còn 53 hộ, chiếm 1,28%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,6 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Y’Thuyên, ở bon Jun Jú, xã Đức Minh có 6 nhân khẩu; tất cả tiền sinh hoạt hằng ngày, chi phí ăn học của các con đều phụ thuộc vào tiền làm thuê ít ỏi của hai vợ chồng. Mặc dù có hơn 1 ha đất trồng cà-phê nhưng do không có vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác lạc hậu cho nên thu nhập không đáng kể, thiếu đói quanh năm, gia đình thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.
Đến năm 2019, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk Mil đã cho anh Y’Thuyên vay 40 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn cây. Cùng với đó, ngân hàng đã phối hợp các đoàn thể địa phương hướng dẫn kỹ thuật canh tác cà-phê cho gia đình. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cho nên vườn cà-phê sớm phục hồi, phát triển tốt, cho năng suất cao. Đến nay, nhờ số tiền thu nhập từ hơn 1 ha cà-phê, anh Y’Thuyên đã trả được một phần tiền gốc vay, đồng thời có thêm kinh phí sửa lại ngôi nhà xuống cấp từ lâu.
Anh Y’Thuyên cho biết, vốn vay ưu đãi là trợ lực rất lớn giúp gia đình anh vượt gặp khó khăn. Nhờ có nguồn vốn này, gia đình có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, đến nay cuộc sống đã thay đổi, không còn thiếu đói quanh năm, các con được ăn học đến nơi đến chốn. Trong 5 năm qua, gia đình đều cố gắng phát huy hiệu quả nguồn vốn với mục tiêu thoát nghèo, trả được nợ và có cuộc sống tốt hơn.
Tương tự, gia đình chị H’Tuất, ở huyện Đắk Mil thuộc diện hộ nghèo nhiều năm dù đã nỗ lực tìm cách làm ăn. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn sản xuất. Năm 2019, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk Mil đã hỗ trợ chị H’Tuất vay 70 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn cà-phê.
Nỗ lực sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đến năm 2022, gia đình chị H’Tuất đã trả hết nợ và thoát nghèo. Cũng trong năm 2022, chị tiếp tục vay thêm 90 triệu đồng để mở rộng diện tích sản xuất cà-phê và mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ bán tại gia đình để tăng thêm thu nhập hằng ngày. Đến nay, với hơn 2 ha cà-phê, hồ tiêu và thu nhập từ buôn bán nhỏ, trừ chi phí mỗi năm, gia đình chị thu khoảng 200 triệu đồng. Chị H’Tuất cho biết, trong quá trình vay và sử dụng vốn tín dụng chính sách, các hộ vay vốn được tổ trưởng tổ tín dụng theo dõi, giám sát, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn hiệu quả cho nên kết quả đạt được rất tốt.
Toàn huyện Đắk Mil hiện có 245 tổ tiết kiệm và vay vốn, 10 điểm giao dịch vốn tín dụng chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến hết tháng 4/2024, tổng dư nợ nguồn vốn chính sách tín dụng trên địa bàn huyện Đắk Mil là hơn 545 tỷ đồng, với hơn 10.200 khách hàng còn dư nợ. Các nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, ổn định an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.