Tiếp nhận 32 tỷ đồng hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi

NDO -

Theo thống kê, cả nước hiện có 400.000 trẻ mồ côi và 6,4 triệu người khuyết tật - chưa tính những người bị ảnh hưởng về tâm lý như trẻ tự kỷ, trầm cảm lâu ngày.

Người khuyết tật sáng tạo các tác phẩm thủ công tại Hợp tác xã Vụn Art ở Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Người khuyết tật sáng tạo các tác phẩm thủ công tại Hợp tác xã Vụn Art ở Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội (25/4/1992-25/4/2022) và Chương trình "Một trái tim-Một thế giới" lần thứ 17.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo trợ

Đến dự và phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn các thế hệ lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thời gian qua, dù có nhiều khó khăn nhưng đã không ngừng đóng góp cho nhiệm vụ chăm sóc, bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, qua đó giúp đỡ hàng chục triệu người có hoàn cảnh khó khăn vượt lên, trở thành những người có ích.

Theo thống kê, cả nước hiện có 400.000 trẻ mồ côi nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều trẻ em tuy còn bố mẹ nhưng không được hưởng đầy đủ sự chăm sóc. Nước ta có 6,4 triệu người khuyết tật, đó là chưa tính những người bị ảnh hưởng về tâm lý như trẻ tự kỷ, trầm cảm lâu ngày. Theo các khảo sát hiện nay, nếu tính hết số người này, cả nước phải có trên dưới 10 triệu người khuyết tật.

Việc cần làm là phải nhận diện rõ hơn các đối tượng còn lại để có sự hỗ trợ càng sớm càng tốt. Cả xã hội hiện nay đại đa số đều có tấm lòng, sẵn sàng đóng góp hỗ trợ những người khó khăn nhưng cần làm sao để tăng cường các hoạt động, huy động được nhiều sự đóng góp hơn, không chỉ bằng của cải, vật chất mà bằng tri thức, thời gian.

Vì trong 6,4 triệu người khuyết tật sẽ có rất nhiều người cần thêm sự trợ giúp về thời gian, tình cảm chứ không chỉ đơn thuần là kinh phí, vật chất. Đặc biệt cần làm sao để sự huy động, hỗ trợ đến đúng người, đúng lúc không bị chỗ thừa chỗ thiếu, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng gợi ý, cơ bản hiện nay các đối tượng được hỗ trợ bằng ngân sách Nhà nước đều đã được tin học hóa toàn bộ công tác từ cập nhật hoàn cảnh tới phân bổ nguồn hỗ trợ đến tận nơi. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam có thể nghiên cứu ứng dụng công nghệ tin học trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Ôn lại chặng đường 30 năm xây dựng, trưởng thành, Chủ tịch Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, nhà nước, các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự hưởng ứng, ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước; sự nỗ lực phấn đấu đầy nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, hội viên qua các thời kỳ, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt.

Từ chỗ chỉ có cơ quan Hội ở Trung ương và hơn một chục Hội thành viên cấp tỉnh được thành lập với tổng số khoảng 5.000 hội viên, đến nay Hội đã có 45 hội cấp tỉnh, 292 hội cấp huyện, 2.006 hội cấp xã, 1.565 chi hội và 5.938 hội viên tập thể, 566.335 hội viên cá nhân, tạo thành mạng lưới tương đối rộng rãi ở các địa phương, cơ sở.

Hoạt động Hội ngày càng đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Kết quả vận động tăng dần hàng năm, từ chỗ bình quân mỗi năm chỉ vận động được trên dưới 200 tỷ đồng, đến nay bình quân mỗi năm Hội vận động được từ 500 đến 600 tỷ đồng (bao gồm cả tiền và hiện vật quy thành tiền).

Hơn 32 tỷ đồng được tiếp nhận để hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi -0
 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu thăm hỏi và tặng quà cho các em mồ côi vì Covid-19 tại Quận 4, ngày 20/9/2021. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Trong 30 năm, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được hơn 5.385 tỷ đồng. Nguồn lực đó đã trợ giúp cho 25,8 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trong cả nước cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhà ở, đi lại, học hành, học nghề, việc làm, sinh kế...

Cầu nối giữa người khuyết tật, trẻ mồ côi với cộng đồng xã hội

Cũng tại buổi lễ đã diễn ra chương trình "Một trái tim-Một thế giới." Trải qua 17 năm, chương trình đã trở thành cầu nối giữa những người khuyết tật, trẻ mồ côi và cộng đồng xã hội, giúp mọi người đến gần nhau hơn.

Thông qua chương trình, ban tổ chức muốn gửi tới toàn xã hội thông điệp: Mỗi người hãy từ những việc làm nhỏ nhất, góp phần nhỏ bé tạo nên tình thương bao la giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, để họ sử dụng trái tim, khối óc cống hiến cho cuộc sống. Đó cũng là những nghĩa cử theo truyền thống đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc.

Tại chương trình, ban tổ chức đã giao lưu với bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng; ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Babeeni Việt Nam; chị Nguyễn Thị Phương Linh, Giám đốc Trung tâm trẻ mồ côi Hoa Mai (thành phố Đà Nẵng).

Qua câu chuyện của các vị khách mời, khán giả hiểu rõ hơn về các hoạt động của hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong 30 năm qua; hiểu rõ hơn về những doanh nghiệp đã, đang đồng hành với hành trình giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống.

Dịp này, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tiếp nhận 32 tỷ đồng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và những người yếu thế khác.

Hội cũng trao Kỷ niệm chương và Bảng vàng tri ân cho các nhà hảo tâm đã có những đóng góp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trên cả nước.