Tôi đến buôn Bồ Liêng, thị trấn Ðinh Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Ðồng khi chiều chưa tắt nắng. Nói là buôn, nhưng Bồ Liêng đã lên tổ dân phố lâu rồi, nhưng nhiều người quen gọi thế. Trước sân nhà sàn truyền thống, các sơn nữ Cơ Ho Srê đang tấu chiêng. Thấy có khách lạ, chị Ka Phen ra hiệu: Gung me! Ðiệu chiêng “đón khách” rộn ràng, tình tự, đắm say. Tôi đang mê đắm trong thanh âm huyền bí giữa mênh mang đại ngàn, chị Ka Phen bảo: “Ðây là điệu chiêng cơ bản của người Cơ Ho. “Gung me” là con đường cái.
Vào rừng phải bắt đầu từ đường cái mà…”. Những bông hoa rừng nam Tây Nguyên ngừng nhịp chiêng, nào Ka Phôn, Ka Hằng, Ka Ký, Ka Hà, Ka Thú và người giữ ching me (chiêng mẹ) Ka Phen. Họ là những “nhịp chiêng” trong đội chiêng tổ dân phố Bồ Liêng, hình thành được chục năm nay bên dòng Ðạ Dâng xanh mát.
Tôi từng trò chuyện cùng già làng K’Bát, bố chị Ka Phen, giờ ông đã về với rừng Yàng. Ông cho biết, người Cơ Ho có 36 điệu chiêng cổ, nhưng giờ đây có lẽ không còn ai nhớ đủ. Nào điệu gung me (đón khách), cing ting (tiếng chim đại bàng), pép tơh jun (săn nai), lô na (gọi nhau), ding biếp (mừng lúa mới)… sau này phát triển thêm điệu mới mừng lễ hội.
Theo già K’Bát, bộ chiêng sáu của người Cơ Ho, Mạ, Mnông có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến theo thứ tự ching me, rơnul, ndơn, ndol, t’rơ, thêt. Mỗi vị trí trong bộ sáu thang âm đều có âm và tiết tấu riêng. Ching me giữ nhịp tấu gọi dàn chiêng giao hòa. Muốn đánh được chiêng, phải nhạy cái tai, dẻo cái tay, cái tâm phải thổn thức với rừng Yàng.
Mặt trời đã vắt về phía núi. Tiếng chiêng của những bông hoa rừng buôn Bồ Liêng tấu khúc mừng lúa mới. Bà Ka Plế, người đàn bà “cái rìu đã bọc da” của già K’Bát cùng hòa nhịp chiêng. Dứt đoạn, Ka Plế buông điệu yal yau giữa đại ngàn yên ả: “Nhịp chiêng hòa hợp mới hay, điệu cồng chỉnh âm cho đúng, đánh chiêng cồng phải rành cái tai…”. Không dũng mãnh, rắn chắc, trầm hùng như những chàng trai của núi, tiếng chiêng của những người đàn bà nam Tây Nguyên đằm thắm, dịu dàng hơn trên đôi chân trần uyển chuyển, nhưng không ra ngoài khuôn phép của Yàng. Tiếng chiêng của họ quyến rũ như chính sự thô mộc, phóng khoáng đại ngàn.
Qua điệu chiêng, người Cơ Ho có thêm cách lý giải thú vị về việc tấu chiêng, vòng xoang đi ngược chiều kim đồng hồ. Ðiệu chiêng rọ đạ (ngược dòng). Từ tiếng ching me trầm ấm, hiền từ như sông mẹ; chiêng rơnul như con suối róc rách, ndơn hào hùng như thác đổ, ndol dịu êm như gió chiều; chiêng t’rơ, chiêng thêt như mưa, như gió. Thang âm chiêng sáu trầm bổng, êm đềm, dữ dội. Ngược từ sông mẹ lên thác ghềnh, như trở về nguồn cội.
Hôm nay, diện mạo mới đã về trên những cung đường của buôn làng ở Lâm Ðồng, những người con của núi càng ý thức sâu sắc hơn việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Trên hành trình đó, có nhịp chiêng tình tự, mộc mạc, huyền bí của đội chiêng nữ Cơ Ho Srê dưới chân núi Brah Yàng; đội chiêng nữ Mnông ở Ðạ Tông, Ðạ M’Rông dọc đôi bờ Ðạ Dâng; đội chiêng nữ Chu Ru bên suối Ðạ Nhim và đội chiêng những bông hoa rừng miền trầm tích Cát Tiên…
Cồng chiêng nữ đã hồi sinh như những cơn mưa đầu mùa phảng phất, cho lúa trên rẫy lún phún mạ tơ, cây măng rừng đội đất chui lên, cho nước về đầy lòng con suối. Và giấc mơ đại ngàn mênh mang chiêng mẹ đã ùa về.