Tiến thoái lưỡng nan ở Mali

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa thảo luận về tương lai của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA), trong bối cảnh nhiều nước đã hoặc đang cân nhắc rút quân khỏi quốc gia Tây Phi này. Thiếu hụt quân số trong khi tình hình an ninh phức tạp khiến Liên hợp quốc rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan ở Mali.
0:00 / 0:00
0:00
Xe quân sự của Liên hợp quốc trên đường phố Mali. (Ảnh Middle-east-online.com)
Xe quân sự của Liên hợp quốc trên đường phố Mali. (Ảnh Middle-east-online.com)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ quan sẽ quyết định về việc gia hạn MINUSMA vào tháng 6 tới, lần đầu xem xét báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trong đó nhấn mạnh MINUSMA sẽ không thể đứng vững nếu tiếp tục duy trì ở hình thức hiện tại và không gia tăng số lượng lính mũ nồi xanh. Báo cáo của Tổng thư ký đề xuất rút quân nếu các điều kiện then chốt không được đáp ứng. Phó Ðại sứ Pháp Nathalie Broadhurst nhận định, vài tháng tới là thời gian mang tính quyết định đối với tương lai của MINUSMA. Như Tổng Thư ký đã chỉ ra, việc giữ nguyên trạng phái bộ không phải là một lựa chọn hợp lý.

Ðiều lo ngại của Tổng Thư ký Liên hợp quốc là có cơ sở, bởi tình hình an ninh tại Mali không những không được cải thiện mà còn ngày càng tồi tệ hơn. Mali đang chìm đắm trong cơn khủng hoảng an ninh kéo dài gần 11 năm qua do cuộc nổi dậy ở khu vực phía bắc leo thang thành xung đột toàn diện, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Báo cáo của Liên hợp quốc nhấn mạnh, tình hình an ninh vẫn đang tiếp tục bất ổn ở trung tâm khu vực Sahel, đặc biệt là ở Burkina Faso và Mali. Báo cáo cho biết tại Mali, các nhóm vũ trang đã tiến về phía đông, giành quyền kiểm soát nhiều khu vực giáp với Niger sau khi các lực lượng quốc tế rút đi.

Trước tình hình an ninh phức tạp, Liên hợp quốc đặc biệt chỉ trích những cản trở đối với quyền tự do đi lại của binh sĩ MINUSMA, một yếu tố được cho là then chốt đối với một số thành viên của Hội đồng Bảo an trong việc tiếp tục duy trì phái bộ. Phó Ðại sứ Mỹ Richard Mills cho biết, việc tiếp tục cản trở nhiệm vụ và vi phạm thỏa thuận Quy chế lực lượng buộc Hội đồng Bảo an phải nghiêm túc xem xét lại sự ủng hộ đối với MINUSMA ở hình thức hiện tại. Báo cáo của Tổng Thư ký Antonio Guterres lưu ý rằng, tình hình an ninh tiếp tục xấu đi và phái bộ - hiện không còn sự hỗ trợ của các lực lượng nước ngoài, đặc biệt là từ Pháp, quốc gia đã rút lực lượng khỏi Mali tháng 8/2022, đã phải đối mặt nhiều thử thách khó khăn.

Cuối năm ngoái, Séc khiến tình hình thêm phức tạp khi quyết định chuyển giao quyền chỉ huy Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu (EU) tại Mali (EUTM) cho Tây Ban Nha, đồng thời rút quân khỏi phái bộ của EU. Trong suốt 10 năm tham gia EUTM, Séc đã góp công lớn khi cử 1.200 lượt binh sĩ tham gia huấn luyện hơn 22.000 nhân viên và 300 huấn luyện viên cho quân đội Mali. EUTM được thành lập năm 2013, có nhiệm vụ hỗ trợ huấn luyện quân đội Mali sau khi quốc gia châu Phi này đối mặt các cuộc tấn công vũ trang của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, hoạt động của EUTM tại Mali thời gian gần đây bị ảnh hưởng do quan hệ căng thẳng giữa chính phủ chuyển tiếp của Mali với các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp.

Ðiểm sáng hiếm hoi đối với triển vọng khôi phục an ninh ở Mali là việc Hội đồng châu Âu (EC) thông qua quyết định gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ xây dựng năng lực của EU tại Mali (EUCAP Sahel Mali) đến ngày 31/1/2025, đồng thời phân bổ hơn 73 triệu euro cho giai đoạn từ tháng 2/2023 đến khi phái bộ kết thúc sứ mệnh. EC cũng quyết định điều chỉnh nhiệm vụ của EUCAP Sahel Mali để đánh giá tình hình chính trị và an ninh trong nước, theo đó phái bộ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động triển khai Lực lượng an ninh nội bộ (ISF) đến miền nam Mali.

Giới phân tích cho rằng, hoạt động của các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế cần được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh tại Mali. Tuy nhiên, để các hoạt động này phát huy hiệu quả, chính quyền Mali cần có những cam kết rõ ràng và hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang cực đoan, tiến tới khôi phục an ninh và ổn định ở quốc gia Tây Phi này.