Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc thảo luận về tương lai của MINUSMA

Liên hợp quốc đặc biệt chỉ trích những cản trở đối với quyền tự do đi lại của binh sĩ MINUSMA, một yếu tố được cho là then chốt đối với một số thành viên của Hội đồng Bảo An.
0:00 / 0:00
0:00
Binh sĩ Mali tuần tra. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Mali tuần tra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 27/1, trong một cuộc họp thảo luận về cách phát triển Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA), nhiều thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhấn mạnh đến việc không thể duy trì "nguyên trạng" Phái bộ này.

Hội đồng Bảo An, cơ quan sẽ quyết định về việc gia hạn MINUSMA vào tháng 6, lần đầu tiên xem xét báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trong đó nhấn mạnh rằng phái bộ sẽ không thể đứng vững nếu tiếp tục duy trì ở hình thức hiện tại và không gia tăng số lượng lính mũ nồi xanh. Báo cáo đề xuất rút quân nếu các điều kiện then chốt không được đáp ứng.

Phó Đại sứ Pháp Nathalie Broadhurst nhận định: "Vài tháng tới là thời gian mang tính quyết định đối với tương lai của MINUSMA. Như Tổng thư ký đã chỉ ra, giữ nguyên trạng không phải là một lựa chọn".

Bà đồng thời tin rằng tương lai của Phái bộ phụ thuộc vào "những cam kết rõ ràng" và "hành động cụ thể" từ chính quyền Mali.

Liên hợp quốc đặc biệt chỉ trích những cản trở đối với quyền tự do đi lại của binh sĩ MINUSMA, một yếu tố được cho là then chốt đối với một số thành viên của Hội đồng Bảo An trong việc tiếp tục duy trì Phái bộ.

Phó Đại sứ Mỹ Richard Mills cho biết: "Việc tiếp tục cản trở nhiệm vụ và vi phạm Thỏa thuận Quy chế Lực lượng buộc Hội đồng Bảo An phải nghiêm túc xem xét lại sự ủng hộ của mình đối với MINUSMA ở hình thức hiện tại".

Báo cáo của Tổng thư ký Guterres lưu ý rằng, tình hình an ninh tiếp tục xấu đi và Phái bộ, hiện không còn sự hỗ trợ của các lực lượng nước ngoài, đặc biệt là từ Pháp, quốc gia đã rút lực lượng khỏi Mali vào tháng 8 năm ngoái, đã phải đối mặt với thử thách khó khăn.

Báo cáo cũng nêu một số lựa chọn để khắc phục tình trạng này.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Mali Abdoulaye Diop tuyên bố rằng những đề xuất đó "không tính đến những kỳ vọng chính đáng của người dân Mali, những người đứng trước các lựa chọn về an ninh".