Trong số hơn 600 học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh học chương trình tiếng Anh tích hợp vừa được tuyên dương vì có nhiều thành tích xuất sắc trong kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh phổ thông quốc tế Pearson Edexcel 2022, em Bùi Trọng Nguyên, Trường tiểu học An Bình, thành phố Thủ Đức đạt điểm môn Toán tiểu học cao nhất thế giới; em Huỳnh Hà Mi, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình đạt điểm tuyệt đối cả ba môn (Toán, Khoa học và tiếng Anh).
Từ năm học 2014-2015, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình quốc gia Việt Nam trong các trường công lập” (chương trình tiếng Anh tích hợp).
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Nguyễn Bảo Quốc cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh liên tục dẫn đầu cả nước về kết quả kỳ thi tốt nghiệp môn tiếng Anh trong nhiều năm liền là minh chứng cho sự đúng đắn về các chủ trương đột phá dạy và học tiếng Anh cho học sinh. Việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh thành phố, đồng thời giảng dạy các bộ môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh theo một khung chương trình chuẩn quốc tế, với đầu ra là các chứng chỉ có giá trị công nhận quốc tế cũng là một trong những mục tiêu được chú trọng.
Hướng đến mục tiêu giáo dục và đào tạo đạt trình độ tiên tiến khu vực châu Á vào năm 2030, và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mô hình học tập sáng tạo, trực quan sinh động, lấy người học làm trung tâm. Mô hình trường học thông minh mà địa phương này đã và đang triển khai mang lại nhiều kết quả tích cực. Trường học thông minh áp dụng công nghệ tiên tiến vào việc quản lý, giảng dạy, giúp bài học trở nên sinh động, học sinh cảm thấy hứng thú hơn, còn giáo viên được thỏa sức đổi mới sáng tạo.
Theo thầy Nguyễn Long Giao, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông, Quận 8, khi triển khai mô hình trường học thông minh thì chắc chắn phải sử dụng công nghệ phù hợp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, trường tích hợp rất nhiều công nghệ mới.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho toàn vùng, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã tiên phong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đến nay, quy mô và mạng lưới trường học vùng Đông Nam Bộ được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương.
Đây là tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đào tạo, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy được đẩy mạnh theo hướng hiệu quả, thiết thực, đón đầu công cuộc chuyển đổi số và giáo dục thông minh.
Đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, mục tiêu đề ra cho giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ là đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương trong vùng tập trung rà soát, sắp xếp, xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nâng cao chất lượng giáo dục; đa dạng hóa mô hình giáo dục và phương thức học tập để phù hợp với mọi đối tượng học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh đến việc thực hiện quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển giáo dục và đào tạo bảo đảm bao quát, phù hợp với thực tiễn và khả thi; bảo đảm quy hoạch quỹ đất cho phát triển giáo dục và đào tạo; đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập và đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục; kiến nghị không tinh giản biên chế ngành giáo dục, nhất là đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm bảo đảm đội ngũ đáp ứng nhu cầu học sinh tăng hằng năm.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố sẽ xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ, đạt chuẩn nghề nghiệp; đào tạo gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; phát huy hiệu quả trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.