Tiền Giang xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép

NDO - Thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù các ngành tỉnh và địa phương đã có nhiều cố gắng trong phối hợp, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản này.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang bắt một tàu khai thác cát trái phép trong khu vực biên giới biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang bắt một tàu khai thác cát trái phép trong khu vực biên giới biển.

Do nhu cầu khan hiếm cát trong san lấp và xây dựng, nhiều đối tượng đã bất chấp vi phạm pháp luật để khai thác cát trái phép nhằm trục lợi tài nguyên của Nhà nước, thất thu ngân sách của địa phương.

Khai thác cát trái phép còn phức tạp

Thời gian qua, các khu vực thuộc tỉnh Tiền Giang có nhiều đối tượng thường xuyên khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép là: khu vực cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè), cồn Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), xã Bình Đức (huyện Châu Thành), bến phà Bình Ninh (huyện Chợ Gạo); xã Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông). Tình trạng này, người dân, tổ chức và dư luận liên tục phản ánh nhưng chưa xử lý triệt để.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Kiệt, sau khi báo chí và người dân phản ánh nhiều đối tượng khai thác cát trái phép ở xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông), ngành tài nguyên và môi trường Tiền Giang tiến hành xác minh, nắm tình hình thì đúng như phản ánh. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra nhưng việc khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ tạm ngưng cấp phép khai thác cát, trong khi nơi đây có rất nhiều công trình trọng điểm cần phải có nguồn vật liệu này để san lắp mặt bằng. Chính điều này, các đối tượng thường xuyên có hành vi hút trộm cát, sỏi trái phép để thu lợi bất chính.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay và trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng cát còn rất lớn, vì vậy, tình hình khai thác cát trái phép còn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn nữa.

Đánh giá lại những khó khăn trong quá trình xử lý, Đại tá Nguyễn Văn Lộc cho rằng: “Đa số chủ phương tiện hợp đồng cho những người khó khăn, người không có tài sản để thuê tàu ghe thực hiện hành vi khai thác cát trái phép. Mỗi đêm, chủ phương tiện trả tiền công cho họ. Đến khi, lực lượng chức năng bắt quả tang thì không thu giữ được phương tiện tàu ghe. Hơn một năm qua, ngành chức năng tỉnh, huyện đã bắt giữ, phạt hành chính với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng nhưng người vi phạm chỉ đóng phạt khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền 9 tỷ đồng còn lại, các đối tượng không có tiền để đóng phạt”.

Ngoài ra, khi lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát thì các đối tượng bơm hút cát trái phép cử người theo dõi để thông báo cho nhau nhằm tránh né đoàn kiểm tra.

Tiền Giang xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép ảnh 1

Công an Tiền Giang bắt đối tượng khai thác cát trái phép tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

Quyết tâm xử lý nghiêm

Trước đây, tỉnh Tiền Giang có 35 mỏ, với trữ lượng khoảng 40,7 triệu m3 cát. Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, địa phương đã cho dừng việc khai thác các mỏ cát. Chính vì vậy, các đối tượng ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã bất chấp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản để trục lợi.

Trong quý I/2023, Công an Tiền Giang đã bắt và đã khởi tố 2 vụ và hiện đang hoàn thiện hồ sơ khởi tố thêm 1 vụ án nữa liên quan hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Ngoài ra, cơ quan công an cũng đưa 141 đối tượng và 110 phương tiện thuộc diện giám sát khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, dù khó khăn thế nào, lực lượng công an sẽ sử dụng tất cả biện pháp nghiệp vụ để củng cố, thu thập đủ tài liệu, chứng cứ xử lý nghiêm minh các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang đã phối hợp các đơn vị bạn và lực lượng chức năng địa phương tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý 26 vụ, với 41 đối tượng của 30 phương tiện; phạt gần 870 triệu đồng, tịch thu hơn 7.000 m3 cát và bán nộp ngân sách gần 500 triệu đồng.

Đại tá Trương Công Sâu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang cho biết, để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép ở khu vực biên giới biển của tỉnh, Bộ đội Biên phòng Tiền Giang quyết tâm xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép thuộc địa bàn mình quản lý.

Ngoài ra, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị gắn với trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy đơn vị đó. Nếu đơn vị nào buông lỏng công tác quản lý địa bàn hoặc bao che, bảo kê, tiếp tay cho hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép cát hoặc để lực lượng khác bắt giữ ở địa bàn quản lý mà không có Bộ đội Biên phòng phối hợp thì Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm.

Để nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn, đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ngành tỉnh và các địa phương lập kế hoạch mở cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông”.

Quyết tâm xử lý triệt để hành vi khai thác cát trái phép trên địa bàn, đồng chí Phạm Văn Trọng nhấn mạnh: “Sau đợt cao điểm kiểm tra, xử lý trước, trong và sau 30/4/2023, trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác cát sông trái phép tái diễn, kéo dài trên địa bàn mà không xử lý nghiêm thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp xã phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã khi để xảy ra các hoạt động khai thác cát sông trái phép trên địa bàn quản lý…”.