

Ông Phạm Văn Duy, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện Phát triển công nghệ, Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Net Zero 2050 thật ra không ở đâu xa, nó ngay trước mắt trong ngành nông nghiệp có đã có lịch sử từ khi hình thành dân tộc ta 4.000 năm trước. Nếu Việt Nam nắm bắt cơ hội này, đi tắt đón đầu, và có sự tham gia của toàn dân, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán Net Zero.
Viện Phát triển công nghệ, Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam là đơn vị có kinh nghiệm nghiên cứu và triển khai các dự án khoa học về khí nhà kính với các tổ chức quốc tế. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Duy, Chủ tịch Hội đồng quản lý của Viện về những thách thức với Việt Nam trên con đường đạt tới Net Zero vào năm 2050 và cơ hội mà chúng ta cần phải nắm bắt.
“Cuộc chơi” kiểm kê nghiêm ngặt, minh bạch và công bằng toàn cầu

Phóng viên: Đâu là thách thức đặt ra với Việt Nam trên con đường thực hiện mục tiêu Net Zero?
Ông Phạm Văn Duy: Net Zero, về bản chất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nó là con đường chúng ta phải đi và phải thắng lợi.
Trong tương lai và ngay hiện nay, chúng ta phải đối mặt với việc thế giới sẽ nâng cao phí tuân thủ môi trường và đặc biệt là thuế carbon rất mạnh mẽ vào nhiều ngành nghề, đặc biệt là các sản phẩm có tính chất xuất khẩu toàn cầu.
Việt Nam đang xây dựng hệ thống chính sách và dần hoàn thiện văn bản pháp luật về tín chỉ carbon và chống biến đổi khí hậu. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có tư duy và không đẩy nhanh tốc độ, sẽ bị lỡ thời cơ, nhất cần phải nhanh chóng chuyển đổi công nghệ, nâng cấp trình độ người lao động; chuyển đổi sản phẩm mới ít phát thải và nhất là nâng cao văn hóa ứng xử với thiên nhiên và môi trường phù hợp với đòi hỏi của toàn cầu.
Trồng rừng bên trong bờ kè nhằm tạo nên “bức tường xanh” bảo vệ vững chắc đê biển Tây. Ảnh Nguyễn Thanh Dũng
Trồng rừng bên trong bờ kè nhằm tạo nên “bức tường xanh” bảo vệ vững chắc đê biển Tây. Ảnh Nguyễn Thanh Dũng
Qua quá trình thảo luận khoa học với các chuyên gia quốc tế, có thể tổng hợp một số thách thức lớn mà chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế:
Một là, dù là nước có nền công nghiệp đi sau, ít phát triển, nhưng thực tế có thể Việt Nam lại thiếu tín chỉ carbon, hay nói cách khác Việt Nam sẽ đối mặt việc phát thải lớn khí thải nhà kính mà chưa có các giải pháp bù đắp. Như vậy, mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Chính phủ ký cam kết tại hội nghị Biến đổi khí hậu 2016 tại Pháp sẽ gặp rất nhiều thách thức.
Đây là cam kết thực, đặc biệt, chúng ta phải vào “cuộc chơi” kiểm kê nghiêm ngặt, minh bạch và công bằng toàn cầu về phát thải khí nhà kính. Khi không có đủ tín chỉ carbon để bù đắp, chúng ta phải đi mua của thế giới với giá cao.
Các doanh nghiệp muốn thương mại sản phẩm toàn cầu phải đối diện với 2 lựa chọn hoặc đi mua tín chỉ carbon bù đắp, hoặc mua công nghệ để giảm thiểu phát thải khí nhà kính; cả 2 đều dẫn đến chi phí và thách thức rất lớn cho doanh nghiệp.
Hai là, có một điều chắc chắn, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững sẽ phải chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi sản phẩm ít phát thải, nhưng nguồn lực cho việc chuyển đổi công nghệ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều năm nay, với chiến lược ngắn hạn, các rào cản chính sách, thị trường làm cho các doanh nghiệp Việt Nam rất ít đầu tư vào nghiên cứu chuyển đổi công nghệ, và có thể hầu như không được coi trọng trong hoạt động thực tiễn, chúng ta chủ yếu nhập máy móc về và sản xuất phù hợp đơn hàng yêu cầu.
Có một sự trái ngược, riêng đối với ngành nông nghiệp thì công nghệ về phát thải thấp, tạo tín chỉ carbon có thể nói cũng không kém so nhiều nước trên thế giới, nhưng lại chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng
Ba là, nhận thức của người dân, của các doanh nghiệp và không ít các cơ quan nhà nước về tín chỉ carbon, biến đổi khí hậu gần như chưa có nhiều, và đang có xu hướng nước đến chân mới nhảy, các cơ hội để đi trước đón đầu có nguy cơ lại thành đi sau như bao năm qua.
Vì thế, để thực hiện mục tiêu này, việc làm trước tiên của chúng ta là phải làm cho toàn dân nhận thức và hiểu về vấn đề này. Khi toàn dân nhận thức, toàn dân làm, kinh tế tư nhân phát triển dưới sự định hướng của Nhà nước thì chúng ta mới hoàn thành và thắng lợi được trong cuộc cách mạng 4.0.
Thứ tư, nước ta thực sự đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ở thế giới, nguy cơ tuyệt chủng một số loài là có thật. Biến đổi khí hậu gây ra bão, lũ và các thiên tai khác khủng khiếp hơn trước rất nhiều. Trong quá trình phát triển đất nước ta trước đây, việc quy hoạch công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản, nông nghiệp hóa chất quá mức… có nhiều vấn đề hay nói cách khác là làm chúng ta đối mặt nguy cơ rất lớn, cần nhìn nhận chính xác và giải quyết thấu đáo.
Thứ năm, kinh tế Việt Nam chưa rõ nét hay nói cách khác là chưa tập trung về sự khác biệt trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa định hình rõ nét các hành động cụ thể đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu, nên quá trình đàm phán về ưu đãi về vốn, công nghệ, thị trường… gặp nhiều khó khăn thách thức.
Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh tại tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NGUYỆT BẮC)
Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh tại tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NGUYỆT BẮC)
Sáu vấn đề đặt ra với Việt Nam trong xây dựng chiến lược hành động về Net Zero

Phóng viên: Vậy theo ông, chúng ta cần làm thế nào để biến thách thức thành cơ hội?
Ông Phạm Văn Duy: Đây là giai đoạn chúng ta cần phải chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế theo cách mạng công nghiệp 4.0 của đất nước. Vừa qua, Đảng ta có Nghị quyết 57 về phát triển công nghệ, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân…. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các địa phương đang và sẽ đưa ra các kế hoạch hành động quyết liệt, với vai trò người nghiên cứu, tôi rất mừng vì những đổi mới của đất nước và mong sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: DUY LINH
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: DUY LINH
Theo tôi, quan trọng nhất trong giai đoạn này là chúng ta phải thật khéo léo trong chuyển đổi cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn tài chính thế giới để giúp chúng ta chuyển đổi có rất nhiều, tôi nghĩ chúng ta hãy mạnh dạn đẩy nhanh tiến trình này; chúng ta đủ tư duy, đủ cảm xúc, đủ nhiệt huyết, đủ trách nhiệm với tầm nhìn toàn cầu, thì chúng ta có thể tiếp cận đủ nguồn lực.
Nhiều doanh nghiệp theo mô hình cũ khi thấy nguy cơ đánh thuế carbon sẽ có tâm lý chán nản, làm cầm chừng. Theo tôi, nếu các doanh nghiệp không thức thời, sẽ đi ngược với tiến trình phát triển của nhân loại, có thể bị đi phía sau hay bị thải loại. Đây là cuộc chơi lớn, là cơ hội chuyển đổi mình ra biển lớn, doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ và lớn lao và chấp nhận từ bỏ những quan niệm cũ, tư duy cũ và cách làm cũ.
Thứ hai, về mặt môi trường, như tôi nói ở trên thực tế chúng ta đang gặp nhiều thách thức lớn. Nhưng hiện nay, theo chiến lược của Chính phủ sẽ phân cấp và giao quyền cho các địa phương sau sát nhập trong kiểm kê khí thải, xây dựng các chiến lược hành động về Net Zero, mà trước mắt là phục hồi môi trường sinh thái. Đây là cơ hội cho các địa phương, hãy chủ động và mạnh dạn nắm bắt để tạo thắng lợi trong phát triển kinh tế xã hội; xây dựng chiến lược và kiến tạo kinh tế từ vấn đề môi trường.
Tôi tin rằng, các địa phương sẽ tạo ra cơ hội về nguồn vốn xanh, phát triển hạ tầng mới, thu hút các ngành kinh tế xanh, phát triển các doanh nghiệp phát thải thấp của địa phương, tạo tín chỉ carbon để có thêm các nguồn thu mới cho địa phương, cho người dân.
Thứ ba, hiện nay, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới chuyển đổi xanh, dù có nơi, có lúc còn chậm chạp nhưng chúng ta là nước đi sau, dễ dàng hơn rất nhiều. Do đó, tôi cho rằng, Việt Nam hãy mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn trong thực hiện các hành động chiến lược về Net Zero.
Tôi mong chúng ta sẽ sớm có các mô hình Khu công nghiệp phát thải thấp; Cảng biển xanh cho sản phẩm carbon thấp; các mô hình Nông nghiệp xanh, Du lịch carbon thấp…. Nói cách khác, chúng ta phải có chiến lược trở thành thiên đường cho các sản phẩm phát thải thấp; và các chiến dịch truyền thông hiệu quả với thế giới, nâng tầm thương hiệu quốc gia.
Thứ tư, về phát triển công nghệ, Nghị quyết 57 của Đảng về phát triển công nghệ thực sự xứng tầm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và tôi nghĩ đây là một trong những chìa khoá cốt lõi. Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho các nhà khoa học, các nhà công nghệ, các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu-chuyển đổi nhằm phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ cũng là việc không dễ dàng, đòi hỏi thời gian, trình độ con người, nguồn lực đầu tư lớn…; nếu quá dàn trải sẽ gặp nhiều khó khăn, không đạt được kết quả lớn. Theo tôi, chúng ta nên tập trung nguồn lực phát triển các công nghệ hướng tới việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các sản phẩm mới ít phát thải-thân thiện môi trường….
Tôi nghĩ, Nhà nước cần xây dựng chương trình quốc gia về vấn đề này và khi đó nó sẽ như 1 khẩu thần công mang lại hiệu quả cho các thắng lợi phát triển đất nước trong thời gian dài.
Thứ 5, về giáo dục đào tạo, tôi nghĩ một trong những cải cách quan trọng là đưa các nội dung cụ thể về Net Zero, môi trường sinh thái trong giáo dục-đào tạo các cấp, nhất là đào tạo đại học, sẽ mang lại nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại; xa hơn là chúng ta sẽ gây dựng được thế hệ người Việt có tầm văn hoá, tri thức toàn cầu, góp phần đưa đất nước Việt Nam phát triển bền vững-thịnh vượng.
Thực hiện mục tiêu Net Zero là vì sự tiến bộ của loài người. Đây là cuộc cách mạng bảo vệ loài người nên phải cần sự tham gia của toàn dân. Chúng ta phải đi tắt đón đầu, nếu đi theo tiến trình từng bước, sẽ mất cơ hội của dân tộc.
Thứ 6, đối với Net Zero của Việt Nam, ngành nông nghiệp là chìa khoá, đóng vai trò đặc biệt quan trọng; Tuy nhiên thách thức là thực trạng chúng ta đang duy trì nền nông nghiệp sử dụng quá trình hóa chất, nhất là đạm hóa học, sử dụng nhiều nước trong sản xuất, rừng bị chặt phá, chăn nuôi nhiều phát thải… nên ngành nông nghiệp đang góp phần tạo ra lượng phát thải rất lớn; càng khó khăn cho việc tạo tín chỉ carbon bù đắp. Tôi nghĩ phải nhanh chóng chuyển đổi và chìa khóa này trong tay chúng ta.
Ngành nông nghiệp phải tiên phong trong tạo tín chỉ carbon

Phóng viên: Với hơn 70% dân số sản xuất trong ngành nông nghiệp, làm thế nào để chúng ta thay đổi được ý thức của người dân, chuyển đổi ngành nông nghiệp phát thải thấp, tạo tín chỉ carbon bù đắp cho các ngành khác nhiều phát thải?
Ông Phạm Văn Duy: Hiện nay, lượng lớn tín chỉ carbon nằm ngay ở các cánh rừng của chúng ta đúng như lời Bác Hồ từng căn dặn “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Chúng ta hãy nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi rừng trên toàn Việt Nam với phương châm người dân làm người dân thụ hưởng.
Những việc khó như cao tốc Bắc-Nam, các sân bay lớn, cảng biển lớn chúng ta đều làm được trong mấy năm. Nếu với quyết tâm và cách làm đó mà chúng ta đưa vào phát triển, phục hồi rừng, thì tôi nghĩ trong thời gian ngắn chúng ta sẽ tạo ra các cánh rừng xanh, góp phần đưa đất nước vươn mình phát triển
Cây lúa là cây nông nghiệp chủ lực của nước ta, với diện tích sản xuất lớn hàng đầu thế giới; đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên với quy trình canh tác sử dụng nhiều nước, và lạm dụng quá mức phân bón, bảo vệ thực vật hóa học, thì bản thân cây lúa lại là nguồn phát thải rất lớn lượng khí nhà kính.
Nếu chúng ta kiên nhẫn và cương quyết chuyển đổi được lúa gạo phát thải thấp, tạo tín chỉ carbon thì chính là cơ hội chúng ta nâng cao năng lực ngành lúa gạo, tạo giá trị cao cho sản phẩm cây lúa; tăng thu nhập người dân.
Hiện đã có các mô hình mua tín chỉ carbon từ lúa gạo, tại đồng bằng sông Cửu Long, người dân được 1 phần tài chính từ bán tín chỉ carbon do mình tạo ra. Thời gian tới, tôi mong chúng ta sẽ phát triển các mô hình trên cả nước.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái chính là một trong chìa khóa cho Net Zero. Chúng ta có điều kiện rất tốt có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái với nhiều tri thức, nhiều công nghệ sản xuất nước ngoài dựa trên tư duy sinh thái có sẵn trong các nhà khoa học trong nước, người nông dân và kể cả những nhà quản lý, những doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Duy
Vấn đề là làm thế nào phát huy tổng hợp trí tuệ, nguồn lực, công nghệ và sự dung cảm cho phát triển mạnh mẽ ngành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái thì sẽ mang lại các nguồn lực rất lớn cho việc chuyển đổi Net Zero Việt Nam.
Mô hình rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua. (Ảnh HỮU NGHĨA)
Mô hình rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua. (Ảnh HỮU NGHĨA)
Phóng viên: Như ông đề cập, công nghệ công nghiệp của chúng ta không có khả năng cạnh tranh trên bàn đàm phán về Net Zero. Với đất nước chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đâu là cơ hội cho ngành thế mạnh của chúng ta giải quyết bài toán trung hòa và tiến tới đạt được chỉ số carbon trong nông nghiệp?
Ông Phạm Văn Duy: Rõ ràng cuộc chơi toàn cầu là cuộc chơi công bằng, có qua có lại, chúng ta cùng các nước trên thế giới chuyển gia các công nghệ hướng tới Net Zero. Vậy chúng ta có gì đóng góp cho thế giới công nghệ đó.
Thực tế, ngành nông nghiệp của chúng ta với 4.000 năm lịch sử có rất nhiều tri thức bản địa đáng quý. Chúng ta cũng có rất nhiều nhà khoa học nông nghiệp rất giỏi với nhiều công trình đã được nghiên cứu có thể chưa được công bố hoặc không muốn công bố. Chúng ta có rất nhiều công trình khoa học nông nghiệp đáng quý đã được công bố đang ở các Viện Nghiên cứu, ở các cơ quan quản lý nhà nước….
Việc của chúng ta là nghiêm túc rà soát, tôn trọng khoa học, dành thời gian tìm tòi những thứ đang bị lãng quên; tạo cơ chế và nguồn lực để nâng cấp, hoàn thiện các tri thức và khoa học đó trong thời đại mới để có thể tạo ra các công trình khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp có giá trị toàn cầu. Chúng ta cùng hợp tác với một số quốc gia có nền khoa học nông nghiệp mạnh như Nhật Bản, Hà Lan, Australia… để cùng nhau phát triển các công nghệ lõi cho ngành nông nghiệp sinh thái, tạo tín chỉ carbon cho toàn cầu.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Net Zero 2050 thật ra không ở đâu xa, nó ngay trước mắt trong ngành nông nghiệp có đã có lịch sử từ khi hình thành dân tộc ta 4.000 năm trước. Với sự trân trọng lịch sử cha ông, sự nghiêm túc của tất cả các bên, tôi tin rằng chúng ta, nhất là các thế hệ trẻ sẽ tìm được rất nhiều những điều giá trị cho thế giới, cho bài toán trung hòa carbon toàn cầu.
Xin cảm ơn ông Phạm Văn Duy!
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: DIỆP LINH
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN