Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên cát

Nguồn cát tại chỗ phục vụ xây dựng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt, khan hiếm làm giá tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm quốc gia và công trình cấp bách của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phục vụ xây dựng.
Khai thác cát trên sông Tiền, đoạn thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phục vụ xây dựng.

Ngoài ra, việc khai thác cát cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sự phát triển bền vững của vùng. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, bên cạnh việc nghiên cứu, đánh giá đầy đủ trữ lượng và khả năng khai thác các mỏ cát tự nhiên, rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra phương án nguyên liệu thay thế, bảo đảm tiến độ xây dựng.

Những năm gần đây, lượng cát theo dòng chảy đổ về đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít và gần như không còn do các đập thủy điện chặn dòng ở thượng nguồn sông Mê Công. Hiện nay, trữ lượng cát còn ở một số tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp có thể khai thác phục vụ xây dựng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng.

Khan hiếm nguồn cát xây dựng

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí cho biết: Tổng sản lượng cát còn lại trên địa bàn tỉnh là 24,59 triệu m3 gồm các mỏ cát là 10,34 triệu m3 và các dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy là 14,25 triệu m3.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã cấp phép cho 11 đơn vị với 17 khu mỏ khai thác cát sông và 3 dự án nạo vét thông luồng chỉnh trị dòng chảy có thu hồi cát sông trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho các công trình.

Theo ước tính, tổng khối lượng khai thác cát là 7,21 triệu m3/năm, trong khi nhu cầu xây dựng các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn hơn 15 triệu m3. Trong đó, tỉnh đã bố trí cho tuyến N1 Tân Châu-Châu Đốc với khối lượng 2 triệu m3; tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên với khối lượng 1,41 triệu m3; tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận với khối lượng 0,8 triệu m3.

Riêng tổng khối lượng cát cho dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng là 8,59 triệu m3 đã vượt quá khối lượng khai thác của toàn bộ các mỏ và dự án chỉnh trị dòng chảy trên địa bàn tỉnh. Do đó, thời gian huy động từ các mỏ và dự án chỉnh trị cần kéo dài trong hai năm 2023 và 2024.

Qua khảo sát, tỉnh Đồng Tháp có trữ lượng hơn 32 triệu m3 cát. Tỉnh đã cấp phép cho các đơn vị khai thác 10 mỏ với sản lượng 3,13 triệu m3. Hiện nay, lượng cát khai thác đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của địa phương.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, qua rà soát, tổng khối lượng cát tỉnh có thể cân đối để cung ứng cho các công trình của Trung ương khoảng 7,4 triệu m3, gồm cát cho cao tốc Cao Lãnh-An Hữu và cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh, với khối lượng dự kiến khoảng 5,51 triệu m3. Tỉnh Đồng Tháp đang đẩy nhanh tiến độ đấu giá các mỏ cát để kịp thời và đồng bộ với tiến độ thi công đường cao tốc này trong giai đoạn 2023-2025.

Thành phố Cần Thơ đang triển khai gần 20 công trình trọng điểm của thành phố và Trung ương. Chỉ riêng tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (đoạn qua Cần Thơ dài hơn 37km) và đường vành đai phía tây (dài gần 20km) cần gần 10 triệu m3 cát xây dựng.

Thành phố hiện có 9 mỏ cát, với trữ lượng khoảng 7 triệu m3 nhưng chất lượng không bảo đảm xây dựng các công trình trọng điểm do cát lẫn nhiều bùn, tạp chất không đáp ứng quy chuẩn xây dựng. Năm 2023, Cần Thơ cấp phép cho 5 phương tiện khai thác khác với công suất hơn 1.000m3/ngày (hơn 300.000m3/năm), trong khi nhu cầu cát giai đoạn 2022-2025 của thành phố lên hơn 30 triệu m3.

Do nhu cầu cát phục vụ xây dựng cao, nguồn cung rất hạn chế, dẫn đến giá cát tăng cao hơn 2 lần so với trước đây, trung bình từ 200-300.000 đồng/m3, cát lại khó tìm mua. Thiếu cát xây dựng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn vùng đội vốn, chậm tiến độ.

Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên cát ảnh 1
Vận chuyển cát trên kênh rạch tỉnh An Giang để xây dựng các công trình.

Phát triển kinh tế hài hòa môi trường

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, từ nay đến năm 2025, các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn cần hơn 47 triệu m3 cát. Khai thác cát tại chỗ để đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết. Tuy nhiên, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên này, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường sống của cư dân vùng là điều cần quan tâm.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long lưu ý: Trong bối cảnh cát, phù sa từ thượng nguồn sông Mê Công về đồng bằng gần như không còn, việc khai thác cát quá mức dẫn đến nhiều hệ lụy như sạt lở, sụt lún đất, môi trường sinh thái bị thay đổi, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cư dân trong vùng. Vì vậy, trong quá trình phát triển, Chính phủ, các địa phương trong vùng cần cân nhắc, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Trong điều kiện hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng "ngân hàng cát" để điều tiết việc khai thác, sử dụng nguồn cát hợp lý, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực do quá trình này mang lại. Đồng bằng sông Cửu Long là một thực thể sống, hình thành từ quá trình bồi đắp phù sa hàng nghìn năm. Vì vậy, khai thác cát chỗ này sẽ ảnh hưởng đến chỗ khác và ngược lại, do đó rất cần sự phối hợp điều tiết các địa phương trong vùng vì lợi ích chung, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của việc khai thác.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là công trình có sử dụng cát ngày càng lớn, trong khi đó nguồn tài nguyên cát ngày càng cạn kiệt. Trong những năm qua, lượng cát từ thượng nguồn đổ về rất ít, không đủ bù đắp cho lượng cát đã khai thác, làm cho đáy sông ngày càng sâu thêm, nguy cơ sạt lở trong thời gian tới là rất lớn (hiện tượng dòng sông đói). Để sớm giải quyết vướng mắc này, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương đẩy nhanh và sớm hoàn thành nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt (cát đồi, núi, cát nhiễm mặn, xỉ than...) để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp (theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ); rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu san lấp, nhằm giảm áp lực phải cung cấp cát sông.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, Cần Thơ phối hợp với Chính phủ Đức và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới hỗ trợ thành phố mở rộng thêm phạm vi quan trắc bùn cát đáy sông để nắm chính xác khối lượng và diễn biến cát đổ về từ thượng nguồn, từ đó giúp đánh giá việc khai thác cát một cách hiệu quả, hợp lý. Về lâu dài, Cần Thơ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khảo sát, đánh giá tổng thể trữ lượng, chất lượng cát toàn vùng, cũng như đánh giá tác động môi trường của quá trình khai thác cát, làm cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này.

Ngày 14/3 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long về nguồn vật liệu cát phục vụ các dự án giao thông đường bộ trọng điểm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương chủ động tăng công suất khai thác các mỏ cát đang hoạt động. Các mỏ đang tạm thời đóng cửa cần kịp thời xem xét cấp phép trở lại, giám sát, đánh giá tác động môi trường, xác định là cấp cho công trình trọng điểm, đường cao tốc bắc-nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở số liệu về trữ lượng cát, công suất khai thác phải thực hiện việc phân bổ bảo đảm sát với nhu cầu thi công, điều tiết hợp lý theo thời gian, tiến độ dự án. Bộ Giao thông vận tải rà soát lại thiết kế kỹ thuật về cao trình các tuyến cao tốc; tiếp tục xem xét phương án thi công phù hợp để bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái...