Tiền Giang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng

NDO - Chiều 8/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức triển khai dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang năm 2022”.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiểm tra vườn sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiểm tra vườn sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Dự án nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và vị thế của thương hiệu trái sầu riêng tỉnh Tiền Giang; đủ năng lực để cạnh tranh với các thương hiệu sầu riêng từ các địa phương khác; tạo lập được môi trường hợp tác, phát triển và hình thành các tổ chức sản xuất; áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm thu nhập ổn định và phát triển cho người dân. Ngoài ra, dự án còn thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030”.

Dự án này được triển khai tại huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và một số địa phương có trồng sầu riêng trên địa bàn. Tổng kinh phí thực hiện trên 15,3 tỷ đồng.

Tiền Giang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng ảnh 1
Sầu riêng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại hợp tác xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, dự án mong muốn hình thành thói quen sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, tạo lập môi trường hợp tác, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất thông qua việc hình thành và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm sầu riêng trên thị trường.

Để đạt được mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tiền Giang đề ra có ít nhất 10-20% sản phẩm sầu riêng được tiêu thụ thông qua hình thức liên kết, tương ứng với 23.000-46.000 tấn được tiêu thụ qua 6-10 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã hoặc tổ hợp tác tại các chợ bán sỉ.

Giai đoạn 2026-2030, dự án tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được của giai đoạn thực hiện trước đó và nâng cấp, mở rộng, hình thành mới các chuỗi liên kết để có ít nhất 30-35% sản phẩm sầu riêng được tiêu thụ thông qua hình thức liên kết; tương ứng với 70.000-90.000 tấn được tiêu thụ qua 11-16 chuỗi.

Tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, với trên 15.000ha, năng suất 2,55 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 230.000 tấn, chiếm trên 55% sản lượng sầu riêng cả nước. Sầu riêng ở của địa phương được trồng chuyên canh tại huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Châu Thành…