Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2016-2020, địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 18.700 lao động, đạt 95,97% kế hoạch. Trong đó, gần 2.000 lao động thuộc diện hộ nghèo và gần 1.300 hộ cận nghèo.
Các ngành nghề mà tỉnh Tiền Giang tập trung đào tạo cho lao động nông thôn là: Sửa chữa xe gắn máy; hàn; may công nghiệp; sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng; sửa chữa máy may công nghiệp; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có số lao động học nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp chiếm 32,3%.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết, đối với nghề phi nông nghiệp như may, sửa chữa máy may, cơ khí, đan lát…, người lao động được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp hoặc nhận gia công hàng cho các cơ sở sản xuất nên có việc làm ổn định. Đối với nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm mới không nhiều, chủ yếu giúp người lao động giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Qua tổ chức dạy kỹ thuật nông nghiệp cho lao động nông thôn, người dân đã biết lựa chọn giống, theo dõi, phòng bệnh nên hạn chế được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Những trường hợp thuộc diện khó khăn, số lao động này sau khi học nghề sẽ được tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, tạo việc làm.
Qua khảo sát, đánh giá đối với lao động nông thôn đã tốt nghiệp sau 1 năm, tỷ lệ lao động đã có việc làm đạt hơn 85%. Thu nhập tăng thêm với mức khoảng 750.000 đồng/tháng/hộ đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp; 1,5 triệu đồng/tháng/lao động đối với lao động học nghề phi nông nghiệp vì đa số chỉ tận dụng thời gian nông nhàn, số làm việc ở các doanh nghiệp còn ít.
Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tiền Giang cũng còn những hạn chế, nhất là nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp.
Cụ thể, số lao động học nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp chỉ chiếm 32,3% trong tổng số được hỗ trợ đào tạo nghề, chưa đạt theo mục tiêu đề ra, chưa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Ông Lý Văn Cẩm cho rằng, thực tế, người lao động rất ngại học thời gian dài, nhất là học kỹ thuật nông nghiệp. Đa số chỉ đăng ký học các khóa có thời gian ngắn 1- 2 tháng nên chỉ được học kỹ năng của một công việc trong một nghề. Do đó, việc ứng dụng vào thực tế sản xuất còn hạn chế, thu nhập tăng thêm không nhiều. Các cơ sở đào tạo đã thiết kế chương trình sơ cấp, chương trình tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh nhằm giúp người học có nhiều kỹ năng để thuận lợi việc làm, nhưng người lao động ít đăng ký dự học.
Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đối với lĩnh vực nông nghiệp đạt khá nhưng thu nhập tăng thêm chưa cao. Lao động học nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp có việc làm mới nhiều, thu nhập khá nhưng số lao động được đào tạo thuộc lĩnh vực này còn ít...
Giai đoạn 2021-2025, Tiền Giang đề ra mục tiêu sẽ hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng cho 20 nghìn lao động và chú trọng các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật; đào tạo nghề nghiệp cho 7.500 sinh viên trình độ cao đẳng, 14.700 học sinh trình độ nghề trung cấp. Tỉnh cũng tạo điều kiện để các trường cao đẳng, trung cấp liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đào tạo nhiều ngành nghề trình độ trung cấp, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất các trung tâm và thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học nhằm phục vụ công tác đào tạo nghề nông thôn.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Tiền Giang tiếp tục rà soát, cập nhật các chương trình đào tạo nghề theo yêu cầu của công nghệ mới, quy trình sản xuất mới; xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời yêu cầu các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn triển khai đào tạo nghề phù hợp từng lĩnh vực.
Cụ thể, đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, cần quan tâm khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và nhu cầu về kỹ năng nghề của người lao động để đào tạo đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp cũng như đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, yêu cầu việc đào tạo nghề cho lao động phải hướng đến phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tiền Giang chỉ hỗ trợ đào tạo cho hơn 200 lao động vào những tháng đầu năm. Mặc dù Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tiếp cận các doanh nghiệp để thực hiện hỗ trợ đào tạo cho người lao động, nhưng các doanh nghiệp chủ yếu tập trung cho duy trì, phục hồi sản xuất nên chưa hỗ trợ.
Đến nay, Chính phủ chưa phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Vì vậy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang chưa hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025, chỉ hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trong năm 2021 và lập kế hoạch năm 2022 và kế hoạch giai đoạn 2021-2025.