Hội nghị được tổ chức trực tuyến, điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy kết nối 601 điểm cầu với hơn 9.000 đại biểu tham dự.
Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 3 chủ đề chính, gồm: Kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội; Thúc đẩy triển khai kế hoạch tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố và Tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết: Đến nay, tất cả các đơn vị của thành phố đã tổ chức 5.653 hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị cho hơn 61,6 vạn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thành phố.
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm. Sau kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ đã phát hiện 873 tổ chức, cá nhân có vi phạm và đã xử lý 368 tổ chức, cá nhân.
Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới, lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những việc lớn, việc khó, phức tạp của thành phố, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ của thành phố và địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình công tác tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, dàn trải, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, còn chồng chéo nhiệm vụ; năng lực của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; công tác bố trí, sử dụng cán bộ có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường…
Thúc giải ngân vốn đầu tư công
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết: Kế hoạch đầu tư công năm 2024 thành phố giao là 81.033,18 tỷ đồng (bằng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đến ngày 25/9, lũy kế giải ngân của toàn thành phố là 29.647 tỷ đồng, đạt 36,6% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước.
Trong đó, lũy kế giải ngân các dự án ngân sách cấp thành phố hiện nay chậm, mới giải ngân được 9.082 tỷ đồng, đạt 33,4% kế hoạch. Có 86 dự án chưa giải ngân (0%) với kế hoạch vốn đã bố trí là 1.548 tỷ đồng.
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị. |
Ngoài ra, trong nhóm các dự án ngân sách thành phố hỗ trợ, có 372 dự án cũng chưa giải ngân, với số vốn được bố trí là 4.134 tỷ đồng, chiếm 37% tổng số dự án và 32,8% kế hoạch vốn.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố đến nay là 254.315,726 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 249.019,614 tỷ đồng, còn 5.296,112 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.
Công tác triển khai thủ tục đầu tư của các dự án cấp thành phố chậm. Hiện còn 49 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; 166 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án. Các công trình trọng điểm, dự án liên kết vùng, dự án ODA, dự án có quy mô lớn tiến độ triển khai chậm.
Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh tăng 19 bậc
Báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, 2 năm qua, thành phố đã đạt được những kết quả về chuyển đổi số rõ rệt.
Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải điều hành thảo luận. |
Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc. Trong đó, riêng năm 2022 đã tăng đột phá 16 bậc so với năm 2021.
Hà Nội cũng đang xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin; xếp thứ hai về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam; đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử; xếp hạng năm trong số các địa phương có lập trình viên giỏi nhất thế giới theo đánh giá của Pentalog…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu và chưa bảo đảm chất lượng; Hạ tầng kỹ thuật của một số đơn vị còn chưa đồng bộ; Một số hệ thống thông tin dùng chung của thành phố đã được triển khai trên toàn thành phố, tuy nhiên, đôi khi hoạt động chưa ổn định, còn một số lỗi phát sinh…
Khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm
Sau phần thảo luận của đại diện các sở, ngành, quận, huyện, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cấp, các ngành đoàn kết, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn để phấn đấu thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Thành ủy cũng như Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU và Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 14/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Trong đó, lưu ý chú trọng quán triệt 25 biểu hiện nêu trong Chỉ thị, gắn với đánh giá cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện, bổ sung các quy định của Thành ủy về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của thành phố. Khẩn trương triển khai ngay việc cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 gắn với công tác cải cách bộ máy, biên chế và phân cấp ủy quyền.
Quang cảnh hội nghị. |
Trong lĩnh vực đầu tư công, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, trên cơ sở việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn mới thông qua, các đơn vị tập trung hoàn tất hồ sơ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và tiến độ giải ngân, bảo đảm cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.
Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp khẩn trương có giải pháp cụ thể để phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt được kết quả cao nhất. Ngoài ra, tập trung khắc phục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp, ngành cần tập trung triển khai thực hiện.
Về kết quả, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 8/15 mục tiêu của Nghị quyết được hoàn thành, bước đầu đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.
Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy tiếp tục nâng cao nhận thức và đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; minh bạch, công khai quá trình phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính.
Tiếp tục duy trì và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số của thành phố như Trung tâm dữ liệu, Trung tâm Điều hành thông minh trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất, bảo đảm an toàn thông tin mạng tạo nền tảng chuyển đổi số phục vụ quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thành phố cần khẩn trương rà soát, tối ưu quy trình hành chính nội bộ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tập trung hoàn thiện các hệ thống thông tin dùng chung đã triển khai, không để tình trạng lỗi, mất ổn định.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, đẩy mạnh phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số; phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố đạt 30% như Nghị quyết đã đề ra.