Tiềm năng lớn ứng dụng ngân hàng số

NDO - Năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Điều này cho thấy Việt Nam đang có tốc độ mở rộng và tiềm năng phát triển các ứng dụng ngân hàng số rất lớn, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng ngành ngân hàng.
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo và triển lãm quốc tế Smart Banking 2023 với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số”, do Cục Công nghệ thông tin - Ngân hàng Nhà nước, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng IEC phối hợp tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội, ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, hiện nay, dữ liệu là tài sản quý giá với các ngân hàng.

Làm sạch 51 triệu dữ liệu khách hàng

Tầm quan trọng của việc sử dụng dữ liệu số trong ngành ngân hàng nằm ở việc giúp cải thiện quyết định kinh doanh, nâng cao hiệu suất và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…

Tiềm năng lớn ứng dụng ngân hàng số ảnh 1

Ông Trần Văn Tần phát biểu tại hội thảo

Toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, bảo đảm 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi số cũng như áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu.

Đi đầu chuyển đổi số

Cũng theo ông Trần Văn Tần, thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều chỉ thị, thông tư, kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. “Điều này cho thấy Việt Nam đang có tốc độ mở rộng và tiềm năng phát triển các ứng dụng ngân hàng số rất lớn, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng ngành ngân hàng”, ông Trần Văn Tần nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cũng khẳng định: hiện nay, các ngân hàng lớn đã chuyển mình, đã có những kho, những trung tâm về dữ liệu. Cả 3 hoạt động chính của ngân hàng là huy động vốn, cho vay, thanh toán đều được số hóa mạnh mẽ. Nhiều ngân hàng có lượng giao dịch trên kênh số là hơn 90%, thậm chí lên tới 97-98%.

Tiềm năng lớn ứng dụng ngân hàng số ảnh 2

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng chia sẻ ý kiến tại hội thảo

Tuy vậy, ngân hàng số hóa ngày càng mạnh mẽ cũng đòi hỏi quản trị cần thay đổi. Do đó, Phó Thống đốc đề nghị các ngân hàng cần tập trung làm sạch, số hóa những dữ liệu đã có.

Chia sẻ định hướng giải pháp sẽ được ngành ngân hàng tập trung thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng,…