Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG), tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong năm 2023 đã nâng lên mức 41%, từ 28% trong năm 2020. Sự tăng tốc mạnh mẽ cho thấy lĩnh vực tài chính-ngân hàng tiếp tục giữ vững vị thế đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của nền kinh tế.
Gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn cho biết, trước bối cảnh mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự nổi lên của công nghệ tài chính-Fintech, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc, là hướng đi tất yếu giúp ngành ngân hàng thích ứng và vượt lên thách thức.
Triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, nhận thức rõ cơ hội lẫn thách thức, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Sau gần hai năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành ngân hàng ghi nhận những thành tựu rõ nét.
Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ hai về kiến tạo thể chế và thứ tư về hoạt động chuyển đổi số. 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình.
Nhiều tổ chức tín dụng chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng. Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp được xếp hạng A về công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Để theo kịp dòng chảy số hóa, các ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở,... Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, với tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong ba tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%.
Đáng chú ý, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng tăng 8,55% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị.
“Các kết quả nêu trên cho thấy, quá trình chuyển đổi số ngân hàng đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế
Có thể nói, ngành ngân hàng với sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước đang đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số. Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn chia sẻ, một trong những nội dung mà Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm thời gian qua để thúc đẩy chuyển đổi số là công tác hoàn thiện thể chế. Nhưng thực tế hiện nay, có những quy định gây khó khăn song lại nằm ngoài phạm vi quản lý của ngành ngân hàng. Do vậy, khung khổ pháp lý đối với hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực tài chính-ngân hàng đòi hỏi phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Chỉ rõ một trong những thách thức lớn của phát triển ngân hàng số và chuyển đổi số ngân hàng truyền thống thành ngân hàng số là phải thay đổi căn bản khung pháp lý hiện hành, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết: Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra mô hình chuyển đổi ngân hàng số phù hợp với thực tiễn Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển ngân hàng số của các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, hiện nay, nếu chỉ hệ thống ngân hàng được số hoá trong khi Chính phủ, các doanh nghiệp chưa được số hóa, thì cũng sẽ gây khó khăn cho các hoạt động tín dụng, xử lý nợ, giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm,… Do đó, cần có một hệ thống luật pháp hướng tới môi trường số hoá đồng bộ để hỗ trợ cho quá trình số hóa ngân hàng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay: Lợi ích của chuyển đổi số với bản thân các ngân hàng thương mại cũng được nhìn thấy rõ ràng. Quá trình chuyển đổi số đã giúp tăng tốc xử lý hoạt động của hệ thống; giúp nhiều tổ chức tín dụng tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập, gia tăng CASA,… qua đó góp phần giúp các ngân hàng gia tăng ổn định thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn và tăng hiệu quả hoạt động.
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng còn một số hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, đó là khung pháp lý còn chưa hoàn thiện cho các dịch vụ số mới; cơ sở hạ tầng phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập; rủi ro công nghệ thông tin và chuyển đổi số tăng; nhận thức của người dùng về các rủi ro trong giao dịch ngân hàng trực tuyến chưa đầy đủ; các giao dịch, thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi, khó phát hiện,…
Do đó, để quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hiệu quả, Tiến sĩ Cấn Văn Lực lưu ý cần chú trọng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số; rà soát các văn bản hướng dẫn về lưu trữ, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu, hướng dẫn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để phục vụ cho eKYC khách hàng,…
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các quy định pháp lý về quản lý rủi ro công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngân hàng, nhất là trong bối cảnh thị trường đang dần tiến tới triển khai mô hình ngân hàng số thuần túy...
Như vậy có thể thấy, việc ứng dụng các công nghệ số mới nhất, tiên tiến nhất trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán đã và đang làm thay đổi cơ bản diện mạo ngành ngân hàng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số cũng đòi hỏi phải hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo “không gian” cho các bên tham gia thị trường phát triển an toàn, đúng định hướng, tuân thủ pháp luật.
Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ kỳ vọng trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước tới đây sẽ thể hiện rõ những quy định phù hợp xu thế tiến bộ của khoa học công nghệ; để ngành ngân hàng, các doanh nghiệp Fintech tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình dịch vụ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số mạnh mẽ,... mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống cũng như của từng tổ chức tín dụng.