Từ năm 2019 đến nay đã có hơn 12 triệu giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Đáng chú ý, từ tháng 10-2019 đến hết ngày 22-4, đã có hơn 1,9 triệu hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Đó là những thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) công bố tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, diễn ra ngày 23-4.
Thực hiện nhiệm vụ về tổ chức triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, chủ trì triển khai Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Bộ TT-TT đã xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đưa vào sử dụng phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc. Nền tảng này là “xương sống” cho kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc.
Bộ TT-TT đã đưa bốn nhóm yêu cầu thiết yếu cần phải đáp ứng khi triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư, khai thác thông tin dân cư để kết nối được với CSDL quốc gia về dân cư bảo đảm hiệu quả, thông suốt, an toàn, an ninh mạng.
Yêu cầu thứ nhất là đồng bộ về định hướng, quy định, kế hoạch
Khác với việc triển khai các CSDL, hệ thống thông tin độc lập, chỉ phục vụ cho nhu cầu của một cơ quan, đơn vị, việc xây dựng và phát triển CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư cần phải có phương án đồng bộ về định hướng phát triển, kế hoạch triển khai. Có như thế mới bảo đảm việc triển khai nhiều hệ thống được chủ trì bởi nhiều cơ quan được đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Để triển khai hiệu quả, theo Bộ TT-TT, cần có các yêu cầu cụ thể như sau:
Một là, định hướng xây dựng, phát triển CSDL quốc gia về dân cư, và các CSDL, hệ thống thông tin liên quan cần phải được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hai là, việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cần phải được thể chế hóa trong các quy định quản lý chuyên ngành để có đủ căn cứ pháp lý triển khai được hiệu quả, hiệu lực.
Ba là, các Bộ, ngành chủ trì triển khai các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư cần phải công khai kế hoạch chi tiết với Bộ TT-TT và Bộ Công an.
Yêu cầu thứ hai là tuân thủ quy định, hướng dẫn kỹ thuật về kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước
Trong nhiều năm, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu là điểm nghẽn của quá trình phát triển Chính phủ điện tử. Một trong các nguyên nhân chính là thiếu quy định pháp lý, dẫn đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chủ yếu là tự phát, dựa trên sự tự nguyện của các bên tham gia. Thời gian vừa qua, để thúc đẩy triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, Bộ TT-TT đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc trực tiếp ban hành một số văn bản quy định, hướng dẫn kỹ thuật, cụ thể:
Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Thông tư số 02/2017/TT-BTT-TT ngày 4-4-2017 của Bộ trưởng Bộ TT-TT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (QCVN 109:2017:BTT-TT).
Thông tư số 13/2017/TT-BTT-TT ngày 23-6-2017 của Bộ trưởng Bộ TT-TT quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia. Thông tư này quy định về nguyên tắc, yêu cầu kỹ thuật, tài liệu kỹ thuật, cấu trúc dữ liệu trao đổi phục vụ kết nối và trách nhiệm của các bên liên quan thực hiện kết nối.
Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Thông tư số 03/2017/TT-BTT-TT ngày 24-4-2017 của Bộ trưởng Bộ TT-TT quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Yêu cầu thứ ba là đồng bộ trong quá trình triển khai
Việc các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành xây dựng, phát triển bằng nhiều đề án, dự án, nhiệm vụ dẫn đến cần thiết phải có cơ chế điều phối trong triển khai các dự án, đề án để bảo đảm việc triển khai là đồng bộ, hiệu quả. Các yêu cầu cơ bản, bao gồm:
Một là, khi xây dựng quy định chuyên ngành cho CSDL, hệ thống liên quan đến quản lý dân cư, Bộ, ngành chủ quản cần xem xét mời Bộ TT-TT, Bộ Công an tham gia Ban biên tập, Tổ soạn thảo để tham gia xây dựng các nội dung liên quan đến kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư. Điển hình là Bộ Tư pháp đã tham mưu ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Hai là, cần xin ý kiến góp ý của Bộ TT-TT, Bộ Công an, đặc biệt là các nội dung về việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư.
Ba là, bộ, ngành, địa phương chủ quan cần cử đơn vị, cán bộ đầu mối để cùng với Bộ TT-TT, Bộ Công an tạo thành các nhóm làm việc phục vụ tạo lập, quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các kết nối.
Yêu cầu thứ tư là sử dụng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ TT-TT quản lý
Thực hiện nhiệm vụ về tổ chức triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, chủ trì triển khai Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Bộ TT-TT đã xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đưa vào sử dụng phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc. Nền tảng này là “xương sống” cho kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc.
Về phía mình, Bộ TT-TT đã sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Bộ Công an, các Bộ, ngành, địa phương triển khai các CSDL, hệ thống thông tin liên quan đến quản lý dân cư bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được hiệu quả, bảo đảm tuân thủ quy định, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, an toàn, an ninh mạng.
Việc Bộ Công an tổ chức khai trương CSDL quốc gia về dân cư vào ngày 25-2 vừa qua đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Và để có thể khai thác, sử dụng hiệu quả thì thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư cần phải “đúng, đủ, sạch và sống” theo đúng phương châm mà Bộ Công an đã đặt ra.
Bộ TT-TT tin rằng, với tổng thể các yêu cầu như trên, cùng sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của Bộ Công an, sự đồng hành của Bộ TT-TT, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã có “điều kiện cần” và “điều kiện đủ” để có thể sớm đưa CSDL quốc gia về dân cư chính thức đưa vào sử dụng, khai thác ngay trong năm 2021. Đây được xem là một trong các điều kiện tiên quyết để có thể phát triển nhanh Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.