Trong đó, động lực và phương thức thực hiện đổi mới sáng tạo hiệu quả thông qua khoa học-công nghệ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, do nguồn lực hạn chế, cơ chế, chính sách còn nhiều điểm nghẽn, đổi mới sáng tạo vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đổi mới sáng tạo có khả năng đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân. Thế nhưng, kết quả khảo sát do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thực hiện cho thấy, mức độ hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng, chưa bắt kịp xu hướng và sự phát triển nhanh của công nghệ.
Theo thước đo trình độ công nghệ từ 1 đến 5, hiện chúng ta đang ở mức 2,5, trong khi các nước trong khu vực như Hàn Quốc đang ở mức 4, thậm chí nhiều lĩnh vực khác công nghệ đạt đến mức hiện đại nhất thế giới. Mặt khác, đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cũng chưa cao, chỉ chiếm 0,6% GDP, do đó các phát minh sáng chế của chúng ta ít hơn khá nhiều so với các nước trong ASEAN, chỉ ở mức trung bình so với các nước có cùng thu nhập.
Bằng sáng chế phần lớn do tổ chức nước ngoài đăng ký sở hữu, còn trong nước chưa nhiều. Do đó, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp chưa cao, chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Lý do chính của thực trạng nêu trên được chỉ ra bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tư duy và nhận thức để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Thách thức về máy móc, thiết bị cũng là trở ngại chính khi với một doanh nghiệp đã hình thành lâu năm, có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước, nhiều thời điểm, thậm chí đã lạc hậu, hết khấu hao.
Vì vậy, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp công nghệ để hợp nhất các nền tảng công nghệ, thiết bị sẵn có. Trong khi đó, việc tiếp cận tài chính, vốn mạo hiểm cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập, rời rạc cùng quy định rườm rà về sở hữu trí tuệ và tài sản được tài trợ công khai.
Thực tế cho thấy, ở các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, phần lớn chỉ ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số ít đòi hỏi về nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu cơ bản. Còn các ngành chế biến, chế tạo, cơ khí nền tảng đòi hỏi nghiên cứu sâu, đầu tư lớn, thử nghiệm tốn kém thì thiếu nguồn lực cũng như các chính sách hỗ trợ, ưu đãi.
Chính vì vậy, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, thời gian tới, Nhà nước cần có những cơ chế đột phá, thể chế hóa vào các luật về khoa học và công nghệ; trong đó thống nhất quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế, xử lý một số rào cản chính sách, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, chuyển giao công nghệ, nhất là thúc đẩy thương mại hóa ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng.
Nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.