Cần đặt “đầu bài” cho startup giải quyết các “bài toán” của doanh nghiệp

NDO -

Tại hội thảo Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số do Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức ngày 17/11, các đại biểu cho rằng, cần tạo thị trường cho các sản phẩm công nghệ của các startup trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nhà nước có thể đặt hàng cho các startup để giải quyết các bài toán đặt ra của doanh nghiệp.

Hội thảo Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số .
Hội thảo Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số .

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) năm 2021, hội thảo nhằm chia sẻ chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán số, thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; hỗ trợ kết nối nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ, giải pháp về thương mại điện tử, giải pháp về chuyển đổi số và thanh toán số... 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Từ khi đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn; 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai. Trong năm 2020 và 2021, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thị trường thương mại điện tử đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vừa giao dịch được với khách hàng, vừa bảo đảm các yêu cầu trong phòng, chống dịch.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, thương mại điện tử sẽ là xu hướng mua sắm mới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp sản xuất phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, mang tiện ích và trải nghiệm tốt đến cho người tiêu dùng. Thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng cũng buộc doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chuyển dịch mới kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhấn mạnh sự tham gia của các startup trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, dù chưa có thống kê chính xác khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng nếu nhìn vào thành công của các startup trong lĩnh vực này thì có khoảng 387 startup đã được hình thành và hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và những doanh nghiệp này có những thành công nhất định thời gian qua. 18 làng công nghệ của Techfest năm nay hy vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, từ đó giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Công thương đặt ra các đầu bài cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để họ dùng năng lực, kiến thức và sự sáng tạo của mình giải quyết các bài toán đặt ra đối với doanh nghiệp, cũng như với yêu cầu phát triển của đất nước.

Tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất, để phát triển thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý cần đi cùng doanh nghiệp lớn và những doanh nghiệp chuyên nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ. Nhà nước tổ chức các cuộc thi, nêu các bài toán mà hầu như các doanh nghiệp đang mắc, trong đó có nhiều bài toán thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, như logistics, truy xuất nguồn gốc.... Khi các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giải quyết được những bài toán đó, được Chính phủ công nhận thì sẽ rất nhiều doanh nghiệp khác tiếp cận được giải pháp công nghệ phù hợp. Đó cũng là cách phát triển thị trường cho những doanh nghiệp cung cấp những nền tảng, công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử chia sẻ xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đó là xu hướng mua sắm “bù” sau thời gian giãn cách xã hội, và chi tiêu tiết kiệm, cân nhắc giá trị tiền khi mua sắm; một số nhóm ngành hàng trở nên phổ biến trong mua sắm, như nông sản, thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm chăm sóc trong gia đình, đồ trang trí trong gia đình... và hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhỏ vừa cần hiểu được các xu hướng tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như định hướng phát triển cho doanh nghiệp mình.