Xu hướng “mở” trong đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có nêu một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở và mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới. Đây là lần đầu tiên giải pháp đổi mới sáng tạo mở được đề cập, khẳng định vai trò của nó trong đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nói riêng.

Khách hàng trải nghiệm ứng dụng VinaPhone 5G.
Khách hàng trải nghiệm ứng dụng VinaPhone 5G.

Đổi mới sáng tạo mở là một xu hướng mới trong phát triển khoa học-công nghệ trên thế giới. Thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực của chính đơn vị theo cách “đóng” truyền thống, hay “đặt hàng” một tổ chức, cá nhân giải bài toán công nghệ của doanh nghiệp như lâu nay thì doanh nghiệp cần bắt tay, hợp tác để khai thác tất  cả các nguồn đổi mới sáng tạo từ bên ngoài nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiệu quả nhất, đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường nhanh nhất. Thí dụ, doanh nghiệp cần một giải pháp công nghệ thì cùng lúc phải tiếp cận được tất cả các nhóm nghiên cứu trong nước và nước ngoài  để họ đưa ra nhiều cách giải bài toán cho doanh nghiệp lựa chọn.  

Tại Việt Nam, một số tập đoàn đang đi theo xu hướng này, như lập ra các quỹ, các chương trình hỗ trợ viện nghiên cứu, trường đại học và liên kết với các tổ chức để tìm kiếm công nghệ phù hợp nhất với chi phí hợp lý nhất; hay thành lập phòng nghiên cứu “mở” để mời gọi start-up đến giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều công ty, tập đoàn lớn cũng đang gặp khó khăn trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Việc chỉ dựa vào nguồn lực trong công ty không còn phù hợp để họ có thể dễ dàng bắt kịp thay đổi, đổi mới hiện nay. Do vậy, nhu cầu tìm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Trong đó, đổi sáng tạo mở là một trong những mô hình mang tính hiệu quả cao để giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. 

Thời gian qua, các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã hình thành, là điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo mở. Chẳng hạn như các start-up có nhiều sản phẩm công nghệ, các nhóm nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu sẵn sàng tham gia mạng lưới chuyên gia để giải quyết bài toán của doanh nghiệp. Cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư sẽ góp phần  thúc đẩy, hỗ trợ để quá trình giải quyết bài toán cho doanh nghiệp nhanh hơn, hoàn thiện hơn…

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, cần kết nối các thành phần nêu trên, và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chủ động đặt bài, nêu các thách thức của doanh nghiệp cho các bên tham gia giải quyết. Để tận dụng được nhiều tri thức công nghệ nhất, doanh nghiệp cần hình thành nền tảng công nghệ đổi mới sáng tạo mở để đưa ý tưởng của mình ra bên ngoài, cho phép doanh nghiệp khác sử dụng, hay tìm nguồn công nghệ bên ngoài. Nền tảng công nghệ đổi mới sáng tạo không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi công ty mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận cơ hội làm việc, hợp tác mới trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. 

Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đổi mới sáng tạo mở. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để doanh nghiệp nhận thức được đây  là sự bổ sung cần thiết cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhằm cập nhật được xu thế công nghệ mới nhất trong quá trình phát triển sản phẩm của mình.