Chiều 17/6, thảo luận tại tổ của Quốc hội về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhận định, dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật nhằm cải cách thủ tục hành chính; khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng thời gian qua; sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 5% đối với phân bón nhập khẩu vào giá bán sẽ cao hơn mức hiện nay, điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu nhưng ở góc độ người nông dân sẽ chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, rất bất lợi cho sản xuất, vì thế đại biểu cho rằng không nên áp dụng quy định này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. |
“Coi trọng nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế thì phải tạo điều kiện phát triển nông nghiệp”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói và cho rằng quy định sẽ có lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hơn là doanh nghiệp nhập khẩu.
Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đây là vấn đề rất cần cân nhắc vì hiện nay muốn khuyến khích, thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế, nếu tiếp tục tăng thuế giá trị gia tăng sẽ xảy ra tác động ngược so với mong muốn. Đại biểu cho rằng so với mặt bằng chung của thế giới (khoảng 15%), nhưng so với các nhóm nước đang phát triển thì không phải là thấp.
“Việc cải cách thuế hướng vào tăng thuế giá trị gia tăng chúng ta cần hết sức cân nhắc. Chúng ta còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác, điển hình như thuế tài sản, hầu như chưa thu được đồng nào trong khi thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tài sản lớn”, đại biểu nói.
Nhất trí trình Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024
Về giảm thuế giá trị gia tăng 2%, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ sự đồng tình với việc giảm đến hết năm 2024, tuy nhiên đại biểu cho rằng thực tế khi triển khai giảm thuế thì mục tiêu giảm giá hàng cuối cùng đến người tiêu dùng nhưng có lẽ số lượng người tiêu dùng được hưởng không nhiều, trừ trường hợp mua hàng có hóa đơn chứng từ, còn phần lớn hàng hóa dịch vụ đang tiêu dùng hiện nay gần như không có hóa đơn chứng từ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cũng đề nghị cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón. Đại biểu cho rằng, trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng giá trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng thì áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón chưa hợp lý.
“Tôi đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón. Trường hợp cần thiết hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên có thể áp dụng thuế suất 0% với mặt hàng phân bón, do phân bón là nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta nên có thể áp dụng ưu đãi thuế ở mức độ cao hơn”, đại biểu đoàn Yên Bái nói.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Về quy định thuế suất trong dự thảo luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề xuất bổ sung vào phần thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, cung ứng dịch vụ số hóa từ nước ngoài cho các đối tượng tiêu dùng tại Việt Nam thì phải áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu để bảo đảm đối xử công bằng với hàng hóa, dịch vụ trong nước, góp phần duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu…
Tăng cường phân quyền, giám sát để điều tiết thuế linh hoạt và hiệu quả hơn
Trước ý kiến đại biểu liên quan thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thuế phân bón đã trải qua nhiều thời kỳ. Trước đây, khi quy định áp thuế VAT đối với phân bón, nhiều đại biểu đã cho rằng như vậy sẽ nâng giá phân bón lên, cho nên sau khi sửa luật VAT đã bỏ thuế này với phân bón.
“Bây giờ thì chúng ta đứng trước 2 lựa chọn. Một là nếu như không đưa vào thì rõ ràng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ rất khó khăn, bởi vì không được hoàn thuế đầu vào. Tuy nhiên, nếu đưa vào thì cũng sẽ có tác động đến giá, dù nhiều dù ít”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại thảo luận Tổ 8. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Do đó, Bộ trưởng Phớc đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu để thống nhất việc quyết định làm thế nào bảo đảm được lợi ích của đất nước và bảo đảm được nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Về vấn đề bỏ quy định về miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, Bộ trưởng lý giải tại sao lại đưa quy định này vào trong luật.
Theo người đứng đầu ngành tài chính, trước đây, khi thực hiện Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) ngày 18/5/1973 mà Việt Nam đã ký kết, luật pháp quy định giá trị nhỏ tối thiểu hoặc số thuế hải quan và thuế khác tối thiểu dưới mức độ nhỏ thì không thu thì thuế thu thuế hải quan và thuế khác. Nhưng trong Nghị định 134 năm 2016 và Quyết định 78 của Thủ tướng Chính phủ thì có yêu cầu thu khoản thuế này.
Bộ trưởng cũng nêu thí dụ, hiện nay, một số quốc gia như EU đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với lô hàng có giá trị từ 22 euro trở xuống, Vương quốc Anh cũng đã bãi bỏ quy định về thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống bắt đầu ngày từ ngày mùng 1/1/2021. Trong khi đó, Thái Lan đã bắt đầu thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu (từ tháng 5/2024).
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Liên quan quy định về những hành vi cấm đối với cơ quan thuế trong thực hiện thuế giá trị gia tăng và hành vi chịu trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế và hành vi của doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, sau khi tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã đưa quy định này vào luật.
“Trong luật cũng đã quy định về hóa đơn và chế độ hóa đơn, nhưng khi ra Thường vụ Quốc hội có ý kiến nêu quy định hóa đơn mới còn chung chung, và thuế giá trị gia tăng cũng có thể nói là một loại thuế mới, còn có những đặc thù riêng cho nên phải ban hành hệ thống hóa đơn chứng từ quy định cụ thể”, Bộ trưởng cho hay.
Theo ông Phớc, trách nhiệm của người nộp thuế, của doanh nghiệp và trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ, công chức thuế cũng phải rạch ròi theo nguyên tắc “ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm”.
Ông phân tích, nếu dựa trên hồ sơ hoàn thuế doanh nghiệp đưa ra lại là hóa đơn giả và cơ quan thuế không thể kiểm tra, lần đến từng nguồn gốc được, trong khi đó quy định thời gian hoàn thuế trước-kiểm tra sau có 4 ngày và thời gian kiểm tra trước-hoàn sau là 40 ngày thì không thể xử lý được, cuối cùng trách nhiệm cán bộ thuế phải chịu.
“Chúng ta phải phải có quy định về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác, giới hạn trách nhiệm thì mới có thể làm mạnh mẽ được và mới bảo đảm được nguồn thu ngân sách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề xuất thu thuế VAT tất cả hàng nhập khẩu qua sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok...
Bộ trưởng Phớc nêu rõ, đối với ngành thuế hiện nay có tình trạng gian lận về hóa đơn để gian lận hoàn thuế và cơ quan công an đã khởi tố nhiều trường hợp, cần rạch ròi để những người làm gian dối phải chịu trách nhiệm.
“Nếu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ mà không đúng thì cơ quan thuế và người kiểm tra phải chịu trách nhiệm, còn người tạo chứng cứ, tài liệu giả, tài liệu không đúng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Điều này phải tương đồng, không thể để người này đổ lỗi cho người kia, rất khó làm”, ông Phớc nói và bày tỏ mong muốn Ủy ban Tài chính, Ngân sách cùng các đại biểu Quốc hội ủng hộ để khi ban hành quy định, luật sẽ có sức sống dài hơn.
Liên quan việc thu thuế giá trị gia tăng đối với hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, theo Bộ trưởng nếu tính 5 năm nữa với mức độ trượt giá khoảng 5% thì rõ ràng chỉ 5, 10 năm nữa quy định mức áp thuế sẽ lạc hậu.
Bộ trưởng cho rằng nên mạnh dạn giao Chính phủ quy định ngưỡng này để khi có biến động, Chính phủ sẽ điều chỉnh sao cho hợp lý.
“Ở đây tôi muốn nhấn vào vấn đề phân quyền. Khi đồng tiền mất giá, và khi mức độ không phù hợp mà chưa sửa được luật thì Chính phủ sẽ đưa ra quy định phù hợp. Còn nếu chỉ quy định 'cứng' cứ 100 triệu đồng/năm thì miễn thuế và khi thu nhập tăng cao lên lại bắt đầu thu thuế sẽ dễ dẫn đến người dân, người kinh doanh không đồng tình”, Bộ trưởng phân tích và đề xuất nếu ủy quyền cho Chính phủ quyết vấn đề này sẽ hợp lý hơn.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thuế là công cụ điều tiết, và kinh nghiệm ở các nước phát triển đã dùng công cụ thuế rất linh hoạt, có thể gần như ủy quyền cho Tổng thống mà đại diện là Bộ Tài chính khi hàng hóa nhập khẩu mà gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước thì có nâng thuế suất lên ngay.
Nhấn mạnh đi kèm với đó vẫn cần có sự giám sát, Bộ trưởng cho rằng nếu phân cấp, ủy quyền và tăng cường công tác kiểm soát thì chắc chắn công cụ điều tiết sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn.