Nhằm hỗ trợ giá cho người nông dân, năm 2014, Quốc hội thông qua Luật 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế GTGT 5% (quy định tại Luật Thuế GTGT năm 2008) sang đối tượng không chịu thuế. Tuy vậy, kể từ khi có hiệu lực (năm 2015) đến nay, do phân bón là mặt hàng không tính thuế nên không được khấu trừ các chi phí GTGT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Thực tế này, buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất nên giá bán bị vọt lên.
Tác dụng “ngược” từ một chính sách ưu đãi
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Ninh Bình cho biết, khi Luật Thuế 71 được thực thi đã đẩy các doanh nghiệp phân bón vào không ít khó khăn. Theo đó, toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT như đầu tư nhà xưởng, máy móc, điện, nguyên vật liệu... đều được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất. Tuy nhiên, do phân bón là mặt hàng không tính thuế nên không được khấu trừ các chi phí GTGT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Thực tế này, buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất nên giá bán bị vọt lên.
“Trong gần 9 năm qua doanh nghiệp đã phải chịu chi phí sản xuất tăng mỗi năm khoảng hơn 140 tỷ đồng và mỗi tấn phân bón đã phải gánh thêm chi phí sản xuất là 500 nghìn đồng”, doanh nghiệp tính toán.
Còn theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Luật Thuế 71 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ hằng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5-8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. “Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua”, ông Hà đánh giá.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Thị Thùy Dương, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, mặt hàng phân bón đưa vào đối tượng không chịu thuế lại có nhiều bất cập. Thứ nhất, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT. Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập khẩu.
Thứ hai, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%.
Thứ ba, khi mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT thì đương nhiên, doanh nghiệp không được khấu trừ GTGT đầu vào khi bán ra trong nước trong khi phần lớn đầu vào có thuế suất 10%. Số GTGT đầu vào không được khấu trừ, doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất dẫn đến chi phí tăng cao, biên lợi nhuận giảm, không khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới tài sản cố định.
“Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chuyển hướng sang xuất khẩu vì xuất khẩu vẫn được hoàn thuế GTGT do có thuế suất 0% làm cho cung về phân bón giảm, càng làm tăng giá bán phân bón tại thị trường trong nước”, bà Hà nhìn nhận.
Cuối cùng, mục tiêu ban đầu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được. Nông dân vẫn phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm.
Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp nước ta cần hơn 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm. Trong đó, nhu cầu phân ure 2,2 triệu tấn, phân SA 900 nghìn tấn, phân kali 960 nghìn tấn, phân DAP 900 nghìn tấn, phân NPK 4 triệu tấn và phân lân 1,8 triệu tấn. Trong bối cảnh đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại vào Việt Nam, nhất là ure đã tăng khoảng ba lần và con số này liên tục tăng trong những năm qua.
“Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân”, bà Dương nêu rõ.
Trước bất cập này, Nhà nước đã có các biện pháp tháo gỡ trước mắt, có thể kể đến bao gồm Tờ trình 182/Ttr-BTC ngày 9/10/2020 của Bộ Tài chính và Công văn số 8680/VPCP-KTTH do Văn phòng Chính phủ ban hành về Dự án Nghị quyết của Quốc hội sửa thuế suất GTGT đối với phân bón. Bên cạnh đó, ngày 27/9/2022, Quốc hội đã có Thông báo kết luận số 1486/TB-TTKQH về Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Thực hiện theo Thông báo này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng đề án Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, để đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Cùng với đó, thời gian qua, nhiều hội thảo, diễn đàn đã được tổ chức nhằm tìm ra mức thuế suất hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhằm tiết kiệm được chi phí sản xuất và từ đó đưa ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn khi không đánh thuế. Dù có nhiều mức thuế suất 0%, 5%, 7% được đưa ra thảo luận, song theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cũng cho biết, với mức 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở GTGT đầu vào ở mức 7-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2-3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn.
Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế GTGT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ngân sách nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu.
“Còn nếu áp dụng mức 0%, các sản phẩm phân bón nước ngoài lại không phải đóng thuế, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trong khi ở mức từ 7-10% thì sẽ không thể hiện được ưu đãi của Nhà nước với ngành này”, ông Thịnh nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, thì nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, góp phần tăng ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón… “Các bộ, ngành có liên quan xem xét sớm sửa đổi, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%”, ông Ánh nêu rõ.