Thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước

NDO - Năm 2023, căn cứ dự toán thu ngân sách nhà nước được Quốc hội giao là 425 nghìn tỷ đồng, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Chỉ thị số 479/CT-TCHQ ngày 6/2/2023 về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng Giám sát hải quan trực tuyến tại Tổng cục Hải quan.
Phòng Giám sát hải quan trực tuyến tại Tổng cục Hải quan.

Tại Chỉ thị, Tổng cục Hải quan yêu cầu toàn ngành tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2023, đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2023 qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá: Căn cứ tình hình hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực tế từng thời điểm và chính sách quản lý, chính sách thuế để xác định các nhóm hàng, mặt hàng trọng điểm có rủi ro cao trong khai báo về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hóa và đưa những doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoạt động xuất nhập khẩu vào luồng vàng, luồng đỏ để thực hiện kiểm tra tại khâu thông quan nhằm ngăn chặn tình trạng khai báo sai số lượng, trọng lượng, chủng loại và tên hàng với mục đích gian lận, trốn thuế; tăng cường sử dụng máy soi, chiếu để phát hiện bước đầu các nghi vấn.

Về trị giá hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu: Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để tăng cường công tác quản lý trị giá hải quan cả trong thông quan và sau thông quan; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai trị giá hải quan bất hợp lý để gian lận, trốn thuế; trong đó tập trung quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu có thuế suất cao như hàng hóa là tài nguyên, khoáng sản thô, phế liệu kim loại; hàng hóa nhập khẩu là hàng tiêu dùng có thuế suất nhập khẩu cao, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc tự vệ, thuế chống bán phá giá...

Về xuất xứ hàng hoá: tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ; chuyển tải bất hợp pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, trong đó tập trung triển khai các nội dung liên quan đến mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thị trường cụ thể và ban hành các văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ; ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế, ưu đãi thuế, thực hiện rà soát, đánh giá mức độ rủi ro và tổ chức kiểm tra từng trường hợp trên cơ sở đối chiếu hồ sơ miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế với các quy định của pháp luật…

Đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài thì tổ chức thu thập thông tin, lập hồ sơ từng đối tượng doanh nghiệp, cập nhật đầy đủ thông tin lên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với các loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài...

Thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các loại hàng hóa này từ khi nhập khẩu, quá trình sản xuất đến khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa từ đó xác định đối tượng trọng điểm, có rủi ro cao về gian lận thương mại để áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ Bưu chính; hàng quá cảnh, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan: Tổ chức thu thập thông tin, lập hồ sơ từng đối tượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ Bưu chính, hàng quá cảnh, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan để thực hiện giám sát từ khi nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập-tái xuất để xác định đối tượng trọng điểm, có rủi ro cao về gian lận thương mại để áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp.

Đối với hàng hóa, phương tiện vận tải đưa vào, đưa ra, lưu giữ tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa: thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro với từng doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có liên quan trên cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát, rà soát việc thực hiện thủ tục hải quan, việc cập nhật thông tin hàng hóa đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan theo quy định nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời sơ hở lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại. Thường xuyên kiểm tra và xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hải quan đặc biệt tại các đơn vị có lượng hàng tồn đọng lớn...

Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định về chính sách tài khóa và các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm toán, Ủy ban kiểm tra Trung ương, đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kế hoạch kiểm tra nội bộ của Tổng cục Hải quan năm 2023 và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành.