Thực hiện Chỉ thị 15/2005/CT-TTg ngày 15-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý nợ đọng và chống thất thu ngân sách Nhà nước, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã ban hành một số văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi, đôn đốc và xử lý nợ đọng thuế.
Tuy nhiên, số nợ thuế vẫn không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Tìm hiểu nguyên nhân cho thấy, ngoài yếu tố khách quan như số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tăng; chính sách, chế độ về thuế chưa theo kịp hoạt động XNK; ý thức chấp hành pháp luật về thuế của doanh nghiệp còn thấp... thì nguyên nhân chủ quan làm tăng số nợ thuế là do công tác theo dõi, quản lý và xử lý nợ thuế tại một số đơn vị hải quan thực hiện chưa nghiêm.
Theo một báo cáo gần đây của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 3-2006 tổng số thuế nợ đọng là 3.154 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2005. Trong đó nợ thuế do thua lỗ không có khả năng thanh toán giảm 10 tỷ đồng so với năm 2005, nợ thuế của doanh nghiệp giải thể giảm 28 tỷ đồng. Ðiều đáng chú ý là, nợ thuế của các doanh nghiệp không có địa chỉ tăng 2 tỷ đồng, chiếm 0,8% so với năm 2005, nợ do chây ỳ đã được đôn đốc nhiều lần tăng 57 tỷ đồng, bằng 6,2% so với năm 2005, nợ quá hạn mới phát sinh tăng 107 tỷ đồng, bằng 19% so với năm 2005.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp xử lý nợ đọng. Theo đó hướng dẫn cụ thể cách xử lý đối với các khoản nợ thuế của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản; các khoản nợ của các doanh nghiệp không tìm thấy địa chỉ; các khoản nợ do vướng mắc về chính sách như: truy thu theo tỷ lệ nội địa hóa xe máy, truy thu do vi phạm chính sách thuế; các khoản nợ chây ỳ (nợ quá hạn 90 ngày).
Ðể tiến tới chấm dứt tình trạng nợ đọng dây dưa kéo dài, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục Hải quan tỉnh, thành phố phân tích đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm về công tác quản lý nợ thuế của các đơn vị trong những năm qua; rà soát đánh giá phân loại nợ thuế theo thời gian nợ, nguyên nhân nợ và triển khai các biện pháp xử lý với từng khoản nợ có tính chất khác nhau.
Ðồng thời, Tổng cục Hải quan đã đề ra giải pháp xử lý chống thất thu ngân sách theo từng nội dung công tác cụ thể. Theo đó, về giá các ngành hàng trọng điểm, bổ sung cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc quản lý giá; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp hay gian lận thương mại, trốn thuế. Bên cạnh đó cũng đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK; tăng cường công tác giáo dục cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc tại các cửa khẩu để nâng cao nghiệp vụ phát hiện các vi phạm của doanh nghiệp và xử lý nghiêm không để thất thu thuế của Nhà nước.
Tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ hải quan và doanh nghiệp về kiến thức phân loại mã số hàng hóa, nhất là những mặt hàng nhạy cảm về thuế suất và những vướng mắc hay gặp trong phân tích phân loại hàng hóa. Tăng cường năng lực hoạt động cho các trung tâm phân tích phân loại của ngành Hải quan.
Ðặc biệt, về xác định giá tính thuế hàng hóa xuất nhập khẩu là vấn đề nóng hiện nay. Do đó phải củng cố hệ thống văn bản pháp quy, sớm ban hành bổ sung các văn bản hướng dẫn chi tiết những vấn đề vướng mắc hiện nay trong công tác tham vấn xác định giá sau khi bác bỏ trị giá khai báo, chi phí thẩm định giá trong các trường hợp cần thiết, sử dụng thông tin giá do thương vụ, sứ quán cung cấp, phí bản quyền, lệ phí...
Củng cố thông tin dữ liệu GTT22, xây dựng cơ chế phối hợp kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng gian lận thương mại qua giá. Ðẩy mạnh kiểm tra sau thông quan đối với các lô hàng có nghi ngờ trị giá khai báo. Tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác giá tại hải quan địa phương, xây dựng cán bộ chuyên sâu. Chỉ đạo xử lý những bất cập về chính sách để bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo. Phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị trong toàn ngành đạt hiệu quả cao. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết xét miễn thuế, giảm thuế, tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi để gian lận thuế.
Hội nghị cán bộ chủ chốt vừa qua của ngành hải quan đã đồng tình, quyết tâm tiếp tục thực hiện phương châm "Thuận lợi - Tận tụy - Chính xác". Ðể thực hiện theo phương châm này ngành hải quan đã đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hải quan, tăng tốc hiện đại hóa hải quan, tăng cường các biện pháp kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế.