Thúc đẩy, vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ phụ nữ

NDO - Phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, kết hợp tăng trưởng kinh tế giải quyết tốt các vấn đề xã hội từng bước thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là định hướng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng vì mục tiêu phát triển con người Việt Nam. Đây cũng chính là nội dung mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã bám sát, vận dụng sáng tạo trong tổ chức thực hiện các Đề án.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc.

Sáng 30/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị sơ kết 5 năm (giai đoạn 2017-2022) hai Đề án của Chính phủ: Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, việc thực hiện các đề án đã thúc đẩy, vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ phụ nữ và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em, nâng cao vai trò tham gia quản lý Nhà nước của các cấp Hội phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh.

Trong giai đoạn 2017-2022, công tác chỉ đạo, điều hành hai đề án được tập trung đầu tư, xác định trọng tâm, trọng điểm cho từng giai đoạn, từng năm. Trong đó, đề án 938 giai đoạn 1 tập trung vào ba vấn đề là: phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, thực hiện an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Đề án 939 xác định được chủ đề cho từng năm. Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện có sự vào cuộc, phối hợp thường xuyên giữa các ngành, đoàn thể, trong đó có vai trò chủ trì, nòng cốt rất quan trọng của các cấp Hội phụ nữ. Luôn bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các đề án để triển khai thực hiện; chú trọng kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn tại các địa phương.

Nhiều mô hình hiệu quả trong các lĩnh vực của hai đề án đã được xây dựng và nhân rộng, được hội viên phụ nữ tích cực tham gia. Đề án 938 có các mô hình sản xuất sạch-tiêu dùng sạch, Nhóm cha mẹ nuôi dạy con tốt, Làng quê an toàn, Thành phố an toàn, Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… Đề án 939 đã có các hợp tác xã, các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, Hội Nữ doanh nhân, Câu lạc bộ vườn ươm khởi nghiệp …

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đề án 938, 939 là hai đề án quan trọng, tập trung giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Đề án 938, Đề án 939 có những nội dung lớn và khó, tuy nhiên, trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh phần lớn quá trình triển khai các Đề án cũng là thời điểm toàn xã hội phải chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ ràng và quan trọng, hình thành được cách làm với từng nhiệm vụ.

Thúc đẩy, vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ phụ nữ ảnh 1

Biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong triển khai thực hiện Đề án 938, 939.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, triển khai tốt hơn các chương trình của hai Đề án 938, 939, tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Các cấp Hội cần đổi mới phương thức tuyên truyền nâng cao tri thức cho phụ nữ, cũng như đổi mới cách thức trong triển khai các nội dung của hai Đề án. Trong đó, cần chú ý đến nhóm phụ nữ khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa bảo đảm tiếp cận được với nội dung tuyên truyền. Đối với đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, cần tiếp tục triển khai các mô hình hiệu quả, đồng thời gắn kết cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp.

Đồng thời, các cấp Hội cần tiếp tục đồng hành với ngành giáo dục chăm lo tốt hơn nữa cho trẻ em, nhất là cấp mầm non; quan tâm, hỗ trợ các đối tượng phụ nữ ở các khu công nghiệp, ở vùng sâu vùng xa, miền núi.

Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tôn vinh, biểu dương 70 tập thể và 70 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 938; 68 tập thể và 52 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 939.

Trong khuôn khổ Hội nghị, diễn ra nhiều hoạt động khác như: Tọa đàm "Khó khăn, thách thức và giải pháp triển khai hiệu quả Đề án 939 giai đoạn 2022-2025"; Triển lãm trưng bày hoạt động, thành tựu Hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Trưng bày giới thiệu sách đề án 938, 939…