Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023:

Thúc đẩy ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng

NDO - Ngày 11/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh họp báo.
Quang cảnh họp báo.

Theo Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Hoàng Thanh Nhàn, tiếp nối thành công Sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023, với Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”, dự kiến diễn ra ngày 18/5.

Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả ngành ngân hàng đạt được sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2023 - Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trước bối cảnh mới của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của công nghệ tài chính - Fintech, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với ngành ngân hàng Việt Nam, là hướng đi tất yếu giúp ngành ngân hàng thích ứng và vượt lên thách thức của bối cảnh 4.0.

Triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, nhận thức rõ cơ hội lẫn thách thức, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Sau gần 2 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét.

Về hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số như: Ban hành hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân, phát hành thẻ ngân hàng, thực hiện dịch vụ bảo lãnh bằng phương thức điện tử eKYC; Trình Chính phủ phê duyệt Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy định về bảo đảm an ninh an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) tạo thuận lợi cho việc liên thông, kết nối; giảm phí dịch vụ thanh toán (giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19) để khuyến khích người dân tiếp cận sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử...

Về hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xây dựng đưa vào vận hành hệ thống bù trừ điện tử phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Công tác bảo đảm an ninh an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.

Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp được xếp hạng A về công tác bảo đảm an toàn thông tin.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) Đoàn Thanh Hải, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước là một trong số các bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương về tinh thần tích cực vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).

Ngày 24/4/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Công an cũng đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Trong đó nêu cụ thể các nhiệm vụ, giao đơn vị đầu mối với sản phẩm đầu ra và thời hạn hoàn thành cụ thể. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.

Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên việc ngành ngân hàng đã gặt hái một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06. Đó là Dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân chính thức từ tháng 12/2022. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp C06-Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng...

Ngày 11/5 được chọn là “Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng”. Đây là ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 810/QĐ-NHNN).

Việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng có thể xem là cột mốc đánh dấu rõ ràng nhất về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, có ý nghĩa quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số.