Để toàn dân tham gia và hưởng lợi từ chuyển đổi số ngành ngân hàng

NDO - Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch đã giúp quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng ngắn lại khiến cả ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi vì điều này.
0:00 / 0:00
0:00
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm trực tuyến "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" - (Ảnh: VGP)
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm trực tuyến "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" - (Ảnh: VGP)

Ngày 28/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi".

Tận dụng cơ hội, “biến nguy thành cơ”

Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đều nhất trí đánh giá, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên, mặt khác cũng là cú huých thúc đẩy chuyển đổi số cho các lĩnh vực, trong đó có ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước và việc đi trước đó thể hiện rõ nét nhất thông qua bước thử nghiệm vừa rồi. “Bước thử nghiệm đó trở thành một thành công vượt qua cả mong đợi, đến giờ phút này là vượt kế hoạch”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, để làm được điều trên, các ngân hàng đã tập trung vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số, tổ chức từ rất sớm, dù trong thời điểm đó ngành ngân hàng không kỳ vọng được rằng chuyển đổi số sẽ đạt được hiệu quả trong tương lai.

“Tuy nhiên, đại dịch là vấn đề ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu nhưng cũng là minh chứng rất lớn cho chuyển đổi số ngành ngân hàng. Kết quả, trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa trong khi cách ly. Đó là những kết quả mà nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng”, ông Hùng nhận định.

Và minh chứng thứ hai là ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. “Nhờ chuyển đổi số, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của một số ngân hàng có những lúc lên đến 40-50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh”, ông Hùng dẫn chứng.

“Một trong những điều tôi cảm thấy rất phấn khởi là cả một quá trình như vậy hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt, bảo đảm an toàn, tất cả giao dịch xử lý, kịp thời, nhanh chóng”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói.

Đồng tình với các nhận định trên, TS Phạm Xuân Hòe, chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngân hàng thương mại rất quan tâm đến chuyển đổi số và quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách. Hầu hết các ngân hàng đều có lãnh đạo cấp cao là những người xuất phát từ ngành công nghệ thông tin. Và bây giờ, Ngân hàng Nhà nước có hẳn một Phó Thống đốc phụ trách và xuất phát từ lĩnh vực công nghệ thông tin. Tôi nghĩ rằng, đó là những điều thuận lợi và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ngân hàng”.

“Rõ ràng chúng ta thấy rằng chính đại dịch Covid-19 đã tạo ra một địa lợi, một nền tảng để cho công nghệ số ngành ngân hàng đi vào cuộc sống. Lúc đó, do dịch bệnh nên tất cả việc mua bán, thanh toán đều thực hiện qua các app. Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ lại khẳng định: "nhân hòa" cũng có, "địa lợi" cũng có và cú hích công nghệ cũng có”, ông Hòe nhận định.

Theo ông Hòe, 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số. “Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển, nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng”.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã rất mạnh dạn và đã quyết định cho thí điểm công nghệ xác minh điện tử (eKYC) bảo đảm an ninh an toàn cho các giao dịch đó là tự động, nên các giao dịch công nghệ số đã được thuận lợi và thành công, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe phân tích.

Người dân đều được hưởng lợi nhờ chuyển đổi số

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: thực hiện chuyển đổi số, bản thân các ngân hàng đã xác định phải ứng dụng công nghệ và làm sao phải số hóa để trở thành một ngân hàng số đúng nghĩa, làm sao để người dân là chủ nhân đích thực của công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, 95% các ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, chẳng hạn như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hóa, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Trên nghĩa tích cực của chuyển đổi số, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực.

“Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch đã giúp ngắn chuyển đổi số ngành ngân hàng, cả ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi vì điều này” - ông Dũng nói.

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước xác định các dịch vụ cung cấp phải thật an toàn, do đó người dùng cần phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng…

Để tạo chuyển biến trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trước hết, các ngân hàng thương mại cần chuyển đổi nhận thức.

“Hiện các ngân hàng thương mại, cần chuyển đổi nhận thức tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong hệ thống, xác định được lấy khách hàng là trọng tâm. Và muốn lấy khách hàng là trọng tâm thì trong quá trình chuyển đổi số, bảo đảm an toàn cho khách hàng là điều đầu tiên” - ông Hùng nói.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề xuất một số giải pháp như: Đào tạo đội ngũ nhân viên mang tính chuyên nghiệp, phù hợp cả quá trình chuyển đổi số, chứ không phải chuyển đổi công nghệ là xong; Có quy trình phòng ngừa rủi ro tới mức cao nhất, và trong thời gian tới, đối với chuyển đổi số phải có ứng dụng phòng chống rửa tiền….

"Trong thời gian tới không chỉ riêng ngành ngân hàng mà tôi nghĩ tất cả các ngành khác cũng sẽ từng bước chuyển đổi số và khi sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử thời gian tới, chắc chắn ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ có rất nhiều việc phải làm…", ông Hùng nói thêm.

Tại Hội nghị ngày 4/8/2022 về Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.