Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Vùng Trung du và miền núi phía bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Tuy nhiên, Vùng vẫn là vùng còn gặp nhiều khó khăn nhất cả nước; liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của Vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc. Khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của vùng so với bình quân của cả nước tiếp tục gia tăng làm ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế-xã hội của cả Vùng.
Thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, tinh thần chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và sự nhất quán trong quan điểm chỉ đạo “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, do đó kinh tế-xã hội của các địa phương trong Vùng Trung du và miền núi phía bắc đã được phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Trong kết quả, thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương của cả Vùng.
Xây dựng Vùng trung du và miền núi phía bắc là hình mẫu phát triển xanh của cả nước
Hội thảo với các báo cáo tham luận, trao đổi của các đại diện đến từ cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu ở trung ương và địa phương sẽ đề ra các giải pháp thiết thực đối với từng địa phương, góp phần đưa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống, tận dụng được các cơ hội phát triển, vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả Vùng.
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào các nhóm vấn đề: Giải pháp thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Vùng; cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao tốc độ và chất lượng đổi mới công nghệ, thiết bị; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có thế mạnh trong vùng: sản phẩm nông, lâm nghiệp; du lịch, các sản phẩm chế biến, chế tạo,…; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế-xã hội Vùng Trung du và miền núi phía bắc nhanh và bền vững.
Đó là: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thăm dò, quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng… Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển các ngành có lợi thế của Vùng như: ngành nông, lâm nghiệp, chế biến, du lịch. Nghiên cứu giống cây trồng nông, lâm nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các dịch vụ kỹ thuật. Đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cơ cấu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng…