Một giới hạn của khoa học
Theo Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Nghiên cứu viên chính của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần ( Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đối với mỗi đứt gãy cụ thể, các nhà khoa học biết rằng có thể sẽ có một trận động đất khác xảy ra trong tương lai, nhưng họ không có cách nào để biết khi nào nó sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, trong lịch sử, đã có một trận động đất được dự báo thành công, đó là trận động đất Hải Thành (Trung Quốc) có độ lớn 7,3 vào năm 1975. Nhiều tháng trước khi động đất xảy ra, người ta đã nhận thấy dấu hiệu của những chuyển động dưới mặt đất, và có nhiều trận động đất nhỏ xảy ra, động vật trong vùng có những hành vi bất thường. Nhờ vào các dấu hiệu này, các nhà chức trách ở đây đã cho di tản một triệu người dân trong thành phố.
Việc cảnh giác này cùng với kiểu xây dựng nhà cửa ở địa phương vào thời điểm xảy ra chấn động chính đã cứu được hàng nghìn người. Mặc dù vậy, trận động đất này vẫn cướp đi sinh mạng của 2.000 người. Câu hỏi đặt ra là: Đây là một thành công thật sự hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Bởi chỉ một năm sau đó, trận động đất ở Đường Sơn (Trung Quốc) xảy ra gây tử vong cho khoảng 255.000 người và không hề được dự báo. Trước khi trận động đất ở Đường Sơn xảy ra, người ta cũng có thấy những hiện tượng khí hậu lạ như quả cầu lửa và những tia chớp bí ẩn, mực nước hồ thay đổi, nhưng không ai có thể kết nối các hiện tượng ấy với một trận động đất sắp xảy ra.
Cho đến ngày nay, mối liên hệ này vẫn rất mờ nhạt. Ngay tại Nhật Bản, một nước thường xuyên xảy ra động đất, chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng mặc dù các nhà khoa học Nhật Bản đã thử nhiều biện pháp, cuối cùng họ cũng phải công nhận thất bại.
Chính vì vậy, các quốc gia trên toàn thế giới chỉ tập trung vào bàn bạc về các biện pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, ưu tiên nghiên cứu xây dựng những công trình có khả năng chịu động đất cao, cũng như huấn luyện cho người dân những kỹ năng tồn tại và sống sót sau thảm họa.
![]() |
Cẩm nang tuyên truyền cách giảm thiểu rủi ro từ động đất do Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần xây dựng. |
Hậu quả tức thì của động đất
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, một trận động đất có thể gây ra 6 hậu quả nguy hiểm và xảy ra gần như ngay lập tức:
Rung lắc mặt đất: Đây là hiện tượng quen thuộc và dễ nhận thấy nhất khi xảy ra động đất. Mức độ rung lắc có thể rất nhẹ (chỉ làm đèn chao đảo), nhưng cũng có thể cực mạnh, khiến nhà cửa sụp đổ. Tại những khu vực có nền đất yếu, sự rung lắc sẽ bị khuếch đại, thậm chí nền đất có thể bị hóa lỏng, làm tăng nguy cơ sập đổ nhà cửa, cầu đường và các công trình lớn.
Phá vỡ bề mặt đất: Khi đứt gãy địa chất lan lên đến mặt đất, nó có thể làm nứt, gãy, xé toạc mặt đất. Hệ thống đường ống (dẫn nước, khí đốt), đường hầm, đường sắt, đường bộ, sân bay… nằm gần các đứt gãy dễ bị hư hại nghiêm trọng, gây nguy cơ ngập lụt, cháy nổ và tê liệt giao thông.
Hóa lỏng và lún nền đất: Động đất có thể làm đất yếu trở nên “mềm nhũn”, như bùn nhão. Khi đất hóa lỏng, các hạt đất mất kết cấu, trôi nổi trong nước ngầm. Hiện tượng này khiến nền móng không còn vững chắc, gây sụt lún, nứt nền. Các tòa nhà, đường sá, sân bay có thể bị nghiêng, trượt, hoặc thậm chí chìm trong đất hoá lỏng.
Hỏa hoạn: Sau động đất, hỏa hoạn thường là nguyên nhân gây thiệt hại lớn. Mặt đất bị nứt gãy có thể làm đứt dây điện, vỡ ống dẫn gas, nổ bình chứa… Trong khi đó, nguồn nước cấp cứu thường cũng bị gián đoạn, khiến công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn.
Trượt lở đất: Rung lắc có thể làm sườn núi, đồi dốc mất ổn định và sụp đổ. Các trận lở đất do động đất có thể cuốn trôi nhà cửa, chặn đường giao thông, thậm chí chặn dòng sông gây ngập lụt.
Sóng thần: Nếu động đất xảy ra dưới đáy biển, có thể tạo ra sóng thần, những con sóng cao như bức tường nước, di chuyển cực nhanh (có thể tới 800 km/h), quét sạch mọi thứ trên đường đi. Chỉ trong vài giờ sau khi động đất xảy ra, sóng thần có thể tấn công các vùng ven biển cách xa hàng nghìn km.